Thị trường phân bón thế giới: Tình hình tiêu thụ và triển vọng trung hạn 2022-2026

04:36 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Mười Một, 2022

Mới đây, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) đã công bố báo cáo về thị trường phân bón thế giới và dự báo triển vọng trung hạn đến năm 2026, được cập nhật với những tác động mới nhất từ cuộc chiến tranh Nga-Ucraina. 

Tình hình tiêu thụ phân bón toàn cầu hiện nay

Theo ước tính của IFA, tiêu thụ phân bón toàn cầu năm tài chính 2021/2022 giảm 1,6% xuống 200,6 triệu tấn (tính theo chất dinh dưỡng), sau khi đã tăng 6% trong năm 2020/2021 (đạt 203,8 triệu tấn). Những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này là nguồn cung phân bón giảm (cùng với những thay đổi trong cơ cấu cây trồng), chiến tranh ở Ucraina và một lượng phân bón đã được mua trước trong năm 2020/2021.

Trong số các loại phân bón, tiêu thụ phân kali toàn cầu năm tài chính 2021/2022 giảm 4% sau khi tăng 11% trong năm trước, tiêu thụ phân lân giảm 2,5% sau khi tăng 5,5% trong năm trước. Tiêu thụ phân đạm khá ổn định, chỉ giảm 0,2% sau khi tăng 4% trong năm trước.

Khu vực Nam Á (đặc biệt là Ấn Độ), châu âu và Bắc Mỹ là những khu vực dẫn đầu về mức giảm tiêu thụ phân bón. Tiêu thụ phân bón ở các khu vực Đông Á và Tây Á cũng giảm. Tiêu thụ phân bón ở châu Phi trong năm tài chính 2021/2022 duy trì ổn định nhờ nhu cầu tăng mạnh ở Nigiêria. Trong khi đó, tiêu thụ phân bón ở châu Mỹ La tinh, khu vực EECA và châu Đại dương đã tăng.

Những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ phân bón thời gian tới

Nếu giả thiết nguồn cung toàn cầu ổn định trong 2 năm tới, chúng ta cần phải xét đến những yếu tố sẽ tác động nhiều đến nhu cầu tiêu thụ phân bón như sau:

Sự hỗ trợ của các chính phủ 

Người nông dân ở những khu vực như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu âu và châu Đại dương thường có thể nhận được các khoản vay tín dụng để mua phân bón. Việc vay vốn như vậy ở châu Phi và châu Á thường khó khăn hơn, nhưng chính phủ một số nước ở các khu vực này hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân nhỏ lẻ mua phân bón. Mức độ hỗ trợ của các chính phủ thay đổi khác nhau tùy theo quốc gia, loại cây trồng, loại phân bón và thời điểm. Trong đó, các loại cây trồng phục vụ an ninh lương thực thường được ưu tiên, phân đạm cũng được ưu tiên hơn các loại phân bón khác vì góp phần chủ yếu làm tăng năng suất thu hoạch. Nhìn chung, sự hỗ trợ của chính phủ có thể có tác động lớn đến tiêu thụ phân bón của quốc gia tương ứng.

Giá phân bón tăng trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 đã thúc đẩy một số thay đổi về chính sách hỗ trợ của các chính phủ. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ đã tăng mức chi trả tiền hỗ trợ mua phân bón cho những người nông dân trồng ngũ cốc. Tại Ấn Độ, trợ cấp mua phân DAP đã tăng trong vụ mùa thu. Tại Pakistan, tháng 5-2022 chính phủ đã quyết định sẽ trợ cấp mua phân bón trực tiếp. Tại Nga, phân bón bán lẻ đã bị áp mức giá trần từ tháng 7-2021. Tại Trung Quốc, chính phủ đã quyết định thực hiện kiểm soát xuất khẩu phân bón để hạn chế sự gia tăng của giá phân bón trong nước.

Ở nhiều nước, mức hỗ trợ gia tăng của các chính phủ vẫn chưa đủ để bảo vệ người nông dân trước các đợt tăng giá phân bón trong thời gian qua. Nhưng Ấn Độ là một ngoại lệ đáng chú ý, mức trần giá bán lẻ urê đã được giữ ổn định trong nhiều năm và trong quý II/2022 đã thấp hơn 10 lần giá quốc tế.

Nhập khẩu phân bón   

Do bản chất tập trung của các nguồn quặng và sản xuất phân kali, nhiều nước trên thế giới đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu loại phân bón này từ một số ít quốc gia khác.

Nhu cầu nhập khẩu phân lân đa dạng hơn và thay đổi khác nhau tùy theo khu vực. Các nước Bắc Mỹ và Bắc Phi sản xuất phân lân gần đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa, trong khi đó châu Mỹ La tinh, Đông Á (không kể Trung Quốc) và châu Đại dương phải nhập khẩu phân lân nhiều hơn. 

Phân đạm được sản xuất khá phổ biến, nhiều nước sản xuất đủ để đáp ứng ít nhất một phần nhu cầu nội địa, vì vậy chỉ một số ít nước và khu vực phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong đó, châu Mỹ La tinh là khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu phân đạm.

Diện tích gieo trồng toàn cầu 

Theo đánh giá tháng 6/2022, diện tích gieo trồng ngô và lúa mì trên thế giới niên vụ 2022/2023 được dự báo sẽ giảm do những yếu tố như chiến tranh ở Ukraina, thời tiết bất lợi và giá vật tư đầu vào tăng cao. Trong khi đó, diện tích lúa toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ, còn diện tích đậu nành sẽ tăng đáng kể. Nhưng những dự báo này còn phụ thuộc vào tình hình thực tế cuối năm, vì phần lớn diện tích đậu nành và ngô ở châu Mỹ La tinh sẽ chỉ được gieo trồng vào nửa sau năm 2022.  

Dự báo tiêu thụ phân bón toàn cầu 2022/2023

IFA đưa ra 3 kịch bản về triển vọng tiêu thụ phân bón toàn cầu trong năm tài chính 2022/2023: Kịch bản lạc quan, kịch bản trung bình và kịch bản bi quan.

Nhìn chung, theo IFA tiêu thụ phân đạm toàn cầu năm tài chính 2022/2023 sẽ giảm 0-5%, tiêu thụ phân lân giảm 0-7%, tiêu thụ phân kali giảm 1-13%. Trong kịch bản bi quan của IFA, tiêu thụ phân bón vô cơ toàn cầu năm tài chính 2022/2023 được dự báo sẽ giảm 7%, đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm tài chính 2008/2009, khi tiêu thụ phân bón toàn cầu giảm 8%.

Nam Á và Đông Á là những khu vực được dự báo sẽ tạo động lực chính cho sự suy giảm của tiêu thụ phân bón toàn cầu trong năm tài chính tới, nhưng xét theo tỷ lệ thì châu Phi là khu vực có mức suy giảm lớn nhất, trong đó tiểu vùng Sahara châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm 18-23%.

Do các vấn đề về nguồn cung, tiêu thụ phân kali được dự báo sẽ giảm mạnh nhất trong số các loại phân bón. 4 khu vực giảm tiêu thụ phân kali nhiều nhất trong năm tài chính 2022/2023 là Nam Á, châu Phi, châu Đại dương và Tây Á. Mức suy giảm có thể lên đến 30% và 40% ở Nam Á và châu Phi. Trong năm tới, tiêu thụ phân kali ở 4 khu vực này được dự báo sẽ chỉ hồi phục một phần.

Triển vọng trung hạn

Về trung hạn (2024-2026), IFA dự báo nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ tiếp tục hồi phục theo 3 kịch bản như sau:

- Kịch bản bi quan: Tiêu thụ phân bón toàn cầu đạt 194,6 triệu tấn (tính theo chất dinh dưỡng) trong năm tài chính 2026/2027, cao hơn 2 triệu tấn so với năm 2019/2020, nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với năm 2020/2021.

- Kịch bản trung bình: Tiêu thụ phân bón toàn cầu đạt 202,1 triệu tấn, cao hơn 9,5 triệu tấn so với năm tài chính 2019/2020, nhưng thấp hơn 1,7 triệu tấn so với năm 2020/2021.

- Kịch bản lạc quan: Tiêu thụ phân bón toàn cầu đạt 211,1 triệu tấn, cao hơn 7,4 triệu tấn so với năm 2020/2021.

Xu hướng giảm tiêu thụ phân kali dự kiến sẽ kéo chậm lại quá trình hồi phục của tổng lượng tiêu thụ phân bón trên toàn cầu. Theo kịch bản bi quan, tiêu thụ phân kali toàn cầu sẽ chỉ đạt 36,6 triệu tấn trong năm tài chính 2026/2027, cao hơn không đáng kể so với cách đây 10 năm (36,2 triệu tấn năm 2016/2017) và thấp hơn nhiều mức kỷ lục 41,3 triệu tấn trong năm 2020/2021. 

Theo kịch bản trung bình, tiêu thụ phân kali toàn cầu trong năm tài chính 2026/2027 sẽ đạt 38,3 triệu tấn, cao hơn năm 2019/2020 (37,2 triệu tấn), nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức kỷ lục của năm 2020/2021. Chỉ trong kịch bản lạc quan, vào cuối chu kỳ tiêu thụ phân kali toàn cầu mới vượt mức của năm 2020/2021.

Theo kịch bản bi quan, tiêu thụ phân đạm và phân lân năm tài chính 2026/2027 cũng thấp hơn năm 2020/2021. Tuy nhiên, trong các kịch bản trung bình và lạc quan, tiêu thụ phân đạm và phân lân toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh và đến năm 2026/2027 sẽ vượt mức kỷ lục của năm 2020/2021.

Theo kịch bản bi quan, các khu vực Đông Á và Nam Á được dự báo sẽ dẫn đầu mức suy giảm tiêu thụ toàn cầu thời gian 2021-2026. Theo kịch bản trung bình và lạc quan, châu Mỹ La tinh sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng tiêu thụ phân bón toàn cầu trong chu kỳ 5 năm tới.

Nguồn: