Sau khi tăng giá lập kỷ lục vào giữa tháng 2, giá cao su trên thị trường cả trong nước lẫn thế giới liên tục giảm. Đà giảm này dường như chưa tìm thấy điểm dừng nhất là trong bối cảnh Nhật - thị trường tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới, đang phải trải qua những thảm hoạ liên tục bao gồm động đất, sóng thần và nổ lò phản ứng hạt nhân.
Cao su gặp khó do động đất
Tính đến ngày 15/3, giá cao su thế giới đã mất trung bình 35% giá trị kể từ khi lập kỷ lục trong tháng trước. Giá cao su giao tháng 8 tại Sở giao dịch hàng hoá Tokyo (TOCOM) còn 335 yên/kg, cao su bản không hun khói USS3 của Thái Lan còn 95 baht/kg, cao su tấm hun khói RSS3 còn 4,94 đô la/kg, so với lần lượt 535 yên/kg, 180 bạt và 6,4 đô la/kg được cho là kỷ lục thiết lập những ngày giữa tháng 2.
Chỉ tính riêng 3 ngày sau thảm hoạ ở Nhật, cao su đã mất 28% giá trị và đang ở mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua.
Khởi nguồn của sự sụt giảm sau thời gian dài liên tục đi lên của thị trường cao su được cho là căng thẳng chính trị ở Trung Đông và doanh số bán xe ô tô ở Trung Quốc - nước nhập khẩu cao su nhiều nhất thế giới - sụt giảm mạnh làm tăng nỗi lo nhu cầu trong tương lai.
Mới đây nhất, thảm hoạ liên tục giáng xuống nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khiến hàng loạt các công ty sản xuất ô tô và lốp xe nơi đây phải ngưng hoạt động do thiếu điện và những trở ngại về cơ sở hạ tầng. Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới của Nhật Bản dự kiến thiệt hại khoảng 40.000 chiếc xe, còn Nissan và Honda ước tính thiệt hại 2 tỉ yên mỗi ngày. Nỗi lo về nhu cầu đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra lấy tiền mặt càng làm cho giá cao su lao dốc.
Giá cao su ở thị trường giao dịch Tocom, Nhật do tác giả tổng hợp |
Reuters dẫn lời của ông Ker Chung Yang, một nhà đầu tư thuộc công ty Phillip Futures ở Singapore cho thấy, động đất ở Nhật Bản là nguyên nhân chính khiến giá cao su lao dốc trong những ngày qua, nhưng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại bởi các nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày tới.
Các khách hàng ở nước tiêu thụ cao su nhiều nhất thế giới là Trung Quốc từng choáng váng với thị trường cao su hồi cuối năm 2008 khi giá giảm tới hơn một nửa kể từ mức kỷ lục đối với những đơn hàng họ đã mua do khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến các nhà sản xuất ô tô từ châu Âu, Bắc Mỹ đến Nhật suy sụp.
Đầu năm 2009, ít nhất là 3 nhà máy sản xuất vỏ xe quan trọng của Trung Quốc đã hủy hợp đồng mua cao su của Indonesia do nhu cầu sụt giảm mạnh.
Trong một diễn biến mới nhất nhằm giúp đỡ ngành cao su, chính phủ Thái Lan ngày 15/3 đã lên tiếng sẽ can thiệp vào thị trường nội địa để hỗ trợ cho giá cao su sau diễn biến động đất ở Nhật Bản.
Khó khăn ở thị trường Trung Quốc
Ở thị trường trong nước, giá cao su xuất khẩu cũng liên tục lao dốc kể từ cuối tháng 2 do nhu cầu sụt giảm mạnh từ các khách hàng Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.
Theo các đội quản lý thị trường tại Quảng Ninh, nhu cầu nhập khẩu cao su từ Trung Quốc giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trong những ngày gần đây khi nước bạn tạo ra sự cố giảm cầu đột ngột để hạ giá bằng cách hạn chế số doanh nghiệp đựơc nhập theo hệ tiểu ngạch qua cửa khẩu.
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chỉ còn 26.000 NDT/tấn, so với mức 36.000 NDT/tấn hôm 18/2. Giá cao su SVR 20 xuất khẩu ra các thị trường khác giảm từ mức 100.000 đồng/kg, FOB, xuống còn 77.000 đồng/kg.
Triển vọng thời gian tới, giá cao su thế giới tiếp tục giảm do Nhật chưa thể một sớm một chiều khắc phục được hậu quả động đất. Giá cao su trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu từ nước ngoài thấp theo bối cảnh chung của toàn cầu.
Tuy nhiên khoảng tháng 4, giá cao su sẽ hồi phục trở lại do nguồn cung cực kỳ eo hẹp trong thời điểm cây thay lá. Giá dầu mỏ cao cũng sẽ hỗ trợ cho nhu cầu cao su thiên nhiên trong vai trò thay thế cao su tổng hợp.