Thị trường cao su thế giới tháng 10/2010: giá tăng 5%

04:33 CH @ Thứ Năm - 11 Tháng Mười Một, 2010

Thị trường cao su thiên nhiên thế giới đồng loạt tăng giá trong tháng 10 do nguồn cung của nước sản xuất cao su lớn là Thái Lan đã sụt giảm mạnh do điều kiện thời tiết bất lợi và sự lão hóa của các vườn cây cao su tại các nước sản xuất, trong khi dự đoán rằng sản lượng cao su của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng vì thời tiết mưa lớn và ẩm ướt tại các vùng trồng cao su chính tại đảo Hải Nam, có thể gây ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng và nhu cầu mua dự trữ. Ngoài ra, giá dầu thô tăng cũng góp phần thúc đẩy giá cao su thiên nhiên tăng.

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo đã tăng 5% trong tháng 10/2010, với hợp đồng kỳ hạn tháng 3 kết thúc tháng ở mức 326,9 Yên/kg (4.055 USD/tấn). Tính chung trong 10 tháng đầu năm, giá đã tăng 18%.

Ngày cuối tháng, giá cao su kỳ hạn tại Sở giao dịch Hàng hoá Kỳ hạn Thượng Hải giảm 4,9% xuống 30.740 NDT (4.065 USD)/tấn. Kỷ lục cao về giá ở thị trường này là 33.320 NDT đạt được vào ngày 26/10.

Kết quả khảo sát 10 nhà kho ở Thượng Hải, Sơn Đông, Vân Nam, Hải Nam và Thiên Tân ngày 22/10 cho thấy lượng dự trữ cao su tự nhiên đã tăng 3.880 tấn lên 41.681 tấn, mức cao nhất trong sáu tháng.

Trên thị trường giao ngay, các nhà xuất khẩu chào bán cao su RSS3 hợp đồng kỳ hạn tháng 12 ở mức 3,98 USD/kg.

Số liệu mới nhất cho thấy đến tháng 9/2010, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đi xuống 4 tháng liên tiếp và giá tiêu dùng cũng tiếp tục giảm sút.

Yếu tố sản xuất có tác động trái chiều lên thị trường cao su thiên nhiên. Sản lượng công nghiệp Nhật Bản trong tháng 9/2010 đã giảm 1,9% so với tháng 8/2010 và giảm mạnh hơn so với dự kiến ở mức 0,6%, trong đó giảm mạnh nhất là sản lượng ô tô, hàng điện tử và các mặt hàng chế tạo khác, chủ yếu là do gói kích thích kinh tế hết tác dụng và chính phủ tiến hành chính sách thắt chặt tài chính.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản dự kiến sản lượng công nghiệp của nước này sẽ tăng trở lại 1,7% trong tháng 11/2010. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích thì con số này thể hiện sự lạc quan thái quá của giới lãnh đạo. Ông Matsumura nhận định sản lượng công nghiệp của Nhật Bản hiện vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhu cầu từ bên ngoài trong bối cảnh nhu cầu quốc tế cũng đang sa sút. Chính vì thế, thật khó để ngành này hồi phục trước 6 tháng cuối năm 2011.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc 9 tháng đầu năm tăng 16,3%. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) dự báo sản lượng công nghiệp năm 2010 có thể tăng hơn 13%. Các nhà kinh tế dự báo GDP quý 3 tăng trưởng 9.5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 10.3% trong quý 2. Dự báo tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất, sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với loại hàng hóa được sử dụng trong sản xuất lốp xe này để bổ sung dự trữ của họ trước mùa đông, mùa sản xuất với năng suất thấp, bắt đầu ở Thái Lan vào đầu năm tới.

Nguồn cung cao su thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm trong quý IV bởi mưa trái mùa tiếp tục làm gián đoạn sản lượng ở những khu vực trồng cao su chính.

Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm nay sẽ tăng không quá 5,3% và chỉ đạt khoảng 9,4 triệu tấn, chứ không tăng 6,3% như dự báo trước đây, bởi thời tiết gây khó khăn cho việc thu hoạch ở Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ.

Dự báo giá cao su thiên nhiên vẫn giữ ở mức cao bởi nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên trong ngành sản xuất lốp xe đang tăng mạnh; trong khi nguồn cung tại các nước sản xuất cao su lớn trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Malaysia lại chưa có gì đột biến.

Chênh lệch cung cầu sẽ đưa giá cao su thế giới đi lên trong dài hạn. Tuy nhiên kinh tế nhiều khu vực trên thế giới hồi phục chậm sẽ ảnh hưởng đến giá cao su trong ngắn hạn.

Dự báo về tình hình, ông Stephen Evans, Tổng thư ký tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho biết, tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục tăng, tác động đến giá cao su trong dài hạn.

"Theo dự báo của chúng tôi, sản lượng cao su tổng hợp trên toàn thế giới đến năm 2015 sẽ chỉ đạt 10 triệu tấn trong khi nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ, Trung Quốc... lên đến hơn 14 triệu tấn. Trong khi đó, nhiều quốc gia trồng cao su lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia đều không có khả năng tăng đột biến về sản lượng trong năm tới, chưa tính đến diễn biến thời tiết bất ổn sẽ gây nhiều tác động đến sản lượng cao su toàn cầu", ông Evans cho biết.

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo có thể đạt kỷ lục cao của 2 năm vào cuối tháng 11 này bởi nhu cầu mạnh từ các hãng sản xuất lốp xe, trong bối cảnh thời tiết bất lợi gây khan hiếm nguồn cung ở Đông Nam Á.

Hợp đồng kỳ hạn giao 6 tháng, hiện là kỳ hạn tháng 4, trên Sở giao dịch hàng hoá Tokyo, dự báo sẽ ở mức giá 345 Yên (4,28 USD)/kg vào cuối tháng 11 và sẽ tiếp tục tăng lên 350 Yên/kg vào cuối tháng 12.

Với nguồn cung khan hiếm, giá cao su tấm của Thái Lan dự báo sẽ lên tới 4,10 USD/kg vào cuối tháng 11 – bằng mức cao kỷ lục đạt vào tháng 4 vừa qua, tăng so với 4,03 USD vào cuối tháng 10.

Cao su SMR20 của Malaysia dự kiến sẽ tăng giá lên 4 USD/kg trong 3 tuần tới, so với mức 3,98 USD cuối tháng 10, còn cao su SIR20 của Indonexia sẽ vững ở mức 3,94 USD/kg.

Nguồn: