Thị trường cao su tuần 05/03 – 09/03/2012

02:06 CH @ Thứ Hai - 12 Tháng Ba, 2012
Giá cao su kỳ hạn trên cả hai sàn giao dịch Tocom và Thượng Hải đều giảm ngay trong ngày giao dịch đầu tuần cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán. Giá đã tiếp tục lao dốc trong hai ngày tiếp theo và có lúc xuống mức thấp nhất một tuần sau khi Trung Quốc cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế từ 8% xuống 7,5%, thấp nhất 8 năm, chỉ tiêu lạm phát vẫn giữ ở mức 4%. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế giảm cho thấy dấu hiệu nhu cầu cao su từ Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới sẽ giảm trong năm nay.

Tuy nhiên ngày 8/3 đồng Yên giảm so với hầu hết đồng tiền giao dịch chủ chốt sau khi Bộ tài chính Nhật Bản công bố thâm hụt thương mại của nước này tháng 1 tăng 245,9% so với cùng kỳ năm trước cùng với thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục đã kéo theo nhu cầu cao su trên sàn Tocom tăng và đẩy giá cao su tăng lên.

Chốt phiên giao dịch ngày 08/03, giá cao su trên sàn Tocom đã tăng từ 2,7- 3,5 yên/kg so với phiên ngày hôm trước tuy nhiên vẫn giảm từ 6,3- 11 yên/kg so với phiên đầu tuần. Kỳ hạn tháng 5; tháng 6 có mức tăng lần lượt 2,6 yên/kg và 2,7 yên/kg lên mức 318 yên/kg và 322 yên/kg; kỳ hạn tháng 7 và tháng 8 cũng tăng lần lượt 2,7 yên/kg và 2,9 yên/kg lên mức 324,8 yên/kg và 327,4 yên/kg so với phiên 07/03. Tổng khối lượng trong phiên này giảm xuống mức 7.221 lots.

Tại sàn giao dịch Thượng Hải, vẫn có những biến động trái chiều giữa các kỳ hạn gần và xa. Chốt phiên giao dịch 08/03, giá cao su kỳ hạn tháng 4; tháng 5 tăng lần lượt 20 NDT/tấn và 5 NDT/tấn lên mức 28.425 NDT/tấn và 28.130 NDT/tấn so với ngày trước đó, tuy nhiên so với phiên đầu tuần giá 2 kỳ hạn này giảm lần lượt 855 NDT/tấn và 910 NDT/tấn. Khối lượng giao dịch của kỳ hạn tháng 5 cũng lên tới 719,672 nghìn tấn. Đáng chú ý là giá cao su kỳ hạn tháng 3 đã giảm liên tục trong cả tuần và xuống mức 28.955 NDT/tấn.

Trung bình tuần giácao su RSS3 "">cao su RSS3tại Thái Lan tăng THB/kg lên 124 THB/kg; giácao su RSS3 "">cao su RSS3tại Tokyo giảm 6 JPY/kg xuống 315 JPY/kg so với tuần trước.

Trên thị trường năng lượng, do lo ngại về vấn đề Iran làm giá dầu tiếp tục tăng trong ngày 08/03. Giá dầu kỳ hạn tăng thêm 0,9% sau khi các nhà lập pháp Mỹ đệ trình những biện pháp mới nhằm chống lại chương trình hạt nhân của Iran. Theobáo cáocủa Barclays Capital thì lượng dầu vận chuyển từ khu vực vịnh Ba Tư đã sụt giảm 300.000 – 400.000 thùng/ngày. Chốt phiên giao dich ngày 8/3, giá dầu WTI giao tháng 4 trên sànNymextăng 1 USD lên 107,16 USD/thùng.Giá dầu Brenttrên sàn ICE đóng cửa tại 125,16 USD/ thùng, tăng 1,04 USD. Chênh lệch giữa dầu Brent và WTI đã lên tới 18,5 USD, cao nhất từ 13/02 sau khi nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm cùng với trữ lượng dự trữ tại Cushing, Oklahoma tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7.

Tại thị trường biên mậu hiện có khoảng 30 doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc đã có mặt tại cặp cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm- La Phù để giao dịch mua cao su của Việt Nam. Theo dự đoán trong thời gian tới số doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc dồn về đây để nhập khẩu cao su Việt Nam sẽ tăng đến khoảng 50 tư cách pháp nhân. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy cơ quan quản lý nhà nước của Trung Quốc về xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ lại có biện pháp ngăn chặn đà tăng giá giao dịch mặt hàng cao su tự nhiên hiện nay. Biện pháp chủ yếu là họ sẽ cắt giảm giấy phép, hạn chế thương gia ngoài biên giới Quảng Tây để hạ thấp nhu cầu, nhằm ép giá.

Tại thị trường trong nước giá cao su cũng biến động cùng chiều với giá kỳ hạn tại sàn Tokyo. Giá đã giảm trong ba ngày đầu tuần sau đó tăng nhẹ vào ngày 08/03. Giá cao su SVR CV và SVRL mua vào phiên 08/03 lần lượt tăng 39 đồng/kg và 40 đồng/kg so với ngày 07/03 lên mức 82.771 đồng/kg và 79.340 đồng/kg. Giá cao su SVR10 và SVR20 cũng lần lượt ở mức 74.082 đồng/kg và 73.950 đồng/kg, tăng 36 đồng/kg so với ngày 07/03. Tuy nhiên so với phiên đầu tuần giá cao su tại Việt Nam cũng giảm từ 800- 1.600 đồng/kg.

Trung bình tuần giá mủ cao su tại Đồng Nai vẫn ổn định ở mức 22.000 đồng/kg so với tuần trước.

Theo nguồn tin từ Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN&PTNT, trong năm 2011, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới được trên 31.183 ha cao su đưa tổng diện tích cao su toàn vùng tăng lên trên 217.509 ha, đạt sản lượng 147.540 tấn mủ cao su khô. Diện tích cao su trồng mới tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, trong đó chủ yếu là các giống cao su mới như PB 260, RRIM 600, RRIV 3, PB 312,RRIV1, RRIV 2, RRIV4, RRIC 100.

Theo thống kê trong tuần từ 14-29/2/2012, xuất khẩu cao su của nước ta đạt 40,27 nghìn tấn, trị giá đạt 117,47 triệu USD, giảm khá mạnh 33% về lượng và 30,98% về trị giá so với nửa đầu tháng 2. Trong đó mặt hàng cao su chủ lực SVR 3L xuất khẩu đạt 12,78 nghìn tấn, giảm 49,62%; cao su SVR 10 cũng giảm 17,37% xuống 9,32 nghìn tấn. Như vậy lượng cao su xuất khẩu trong tháng 2 đạt 100,38 nghìn tấn, trị giá 287,66 triệu USD, tăng 43,77% về lượng và 50% về giá trị so với tháng 1/2012. Giá cao su xuất khẩu trong nửa cuối tháng 2 tiếp tục được điều chỉnh so với những tuần trước. Mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, cao su SVR 3L có giá giao dịch trung bình 3.556 USD/tấn, tăng 4,79% so với đầu tháng 2. Cao su SVR 10 có giá 3.412 USD/tấn, tăng 3,19%; SVR CV60 tăng 4,6% đạt 3.655 USD/tấn, cao su tổng hợp và SVR 20 tăng tới gần 12% lên mức 3.690 và 3.487 USD/tấn.

Trong nửa cuối tháng 2, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường tiêu thụ cao su của nước ta, với 19,06 nghìn tấn, trị giá 48,37 triệu USD, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước, giảm tới 42,8% về lượng so với hai tuần đầu tháng 2. Các thị trường Malaysia và Đài Loan cũng giảm khá mạnh trong kỳ này xuống mức lần lượt 5,65 nghìn tấn và 2,94 nghìn tấn.

Trong thời gian tới xuất khẩu cao su được dự báo sẽ giảm dần, nguyên nhân là do từ cuối tháng 2 đến tháng 5 hàng năm cây cao su bước vào thời điểm thay lá cho năng suất thấp.

Nguồn: