Thị trường cao su tuần 06/02 – 10/02/2012

08:29 SA @ Thứ Hai - 13 Tháng Hai, 2012

Ngay trong ngày giao dịch đầu tuần giá cao su kỳ hạn trên cả hai sàn giao dịch Tocom và Thượng Hải đã tăng khoảng 3% so với phiên cuối tuần trước do các thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ và lo ngại về nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu có thể tăng

Ngay trong ngày giao dịch đầu tuần giá cao su kỳ hạn trên cả hai sàn giao dịch Tocom và Thượng Hải đã tăng khoảng 3% so với phiên cuối tuần trước do các thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ và lo ngại về nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu có thể tăng. Dữ liệu việc làm ở Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm bất ngờ xuống mức 8,3% thấp nhất trong 3 năm cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần hồi phục, có thể sẽ làm tăng nhu cầu với hàng hóa thô. Bên cạnh nguyên nhân đầu cơ, nhiều nhà đầu tư cũng tích cực mua vào do lo ngại nguồn cung giảm sút. Cao su tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới sắp bước vào mùa rụng lá, đây là thời điểm khai thác mủ bị hạn chế. Tồn kho cao su trong kho được theo dõi bởi Sở giao dịch hàng hóa Thượng Hải giảm 6% so với lần thông báo trước đó vào ngày 20/1. Ấn Độ – một trong những thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – ước tính tiêu thụ cao su nước này tăng 4% đạt mức hơn 1 nghìn tấn trong năm tài khóa 2011-2012. Ấn Độ đã tăng lượng sản xuất thêm hơn 9 nghìn tấn, trong khi tiêu thụ đạt 9,66 nghìn tấn trong năm tài khóa 2011-2012.

Sau phiên tăng mạnh vào ngày giao dịch đầu tiên, giá cao su quay đầu giảm tại hầu hết các thị trường do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư. Tuy nhiên do được hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng nên giá cao su ngày 08/02 đã bật lên vượt qua mức của phiên ngày 06/02. Giá tăng mạnh lại là nguyên nhân dẫn đến hoạt động bán ra thu lợi và kéo giá cao su quay lại giảm điểm trong ngày giao dịch tiếp theo.

Chốt phiên giao dịch ngày 09/02, giá cao su trên sàn Tocom đã giảm khoảng 5 yên/kg (1,5%) so với phiên ngày hôm trước và giảm dưới 3 yên/kg so với phiên đầu tuần, tuy nhiên vẫn tăng trên 5,5 yên/kg so với phiên cuối tuần trước. Kỳ hạn tháng 5 có mức giảm mạnh nhất 1,8% (5,8 yên/kg) xuống mức 315 yên/kg; kỳ hạn tháng 6 và tháng 7 cũng giảm lần lượt 5,5 yên/kg và 5,6 yên/kg xuống mức 318,1 yên/kg và 320,3 yên/kg.

Tại sàn giao dịch Thượng Hải, giá cao su cuối phiên 09/02 đã tăng với kỳ hạn tháng 4; tháng 5 lên mức lần lượt 28.920 NDT/tấn và 28.830 NDT/tấn, trong khi các kỳ hạn tháng 2 và tháng 3 lại giảm xuống mức 29.085 NDT/tấn và 29.020 NDT/tấn.

Trung bình tuần giácao su RSS3 "">cao su RSS3tại Thái Lan tăng 1 THB/kg lên 127 THB/kg; giácao su RSS3 "">cao su RSS3tại Tokyo tăng 5 JPY/kg lên 306 JPY/kg so với tuần trước.

Trên thị trường năng lượng dầu thô kỳ hạn Hoa Kỳ tăng lên mức gần 99 USD/thùng trong ngày 09/02, tăng ngày thứ ba liên tiếp do hy vọng đối với thỏa thuận nợ của Hy Lạp hỗ trợ bù cho tác động của số liệu dự trữ dầu Hoa Kỳ tăng. Dầu thô NYMEX giao tháng ba tăng 19 cent ở mức 98,90 USD/thùng sau khi giao dịch tăng 30 cent lên mức 98,71 USD/thùng hôm 08/02. Dầu Brent London giao tháng ba tăng 97 cent lên mức 117,20 USD trong 08/02, mức giao dịch cao nhất kể từ 28/7

Tại thị trường trong nước giá cao su xuất khẩu của SVR 3L trong tháng 1 bình quân là 3.228 USD/tấn, giảm 37,3% so cùng kỳ năm trước và giảm nhẹ 2,6 % so tháng trước. Nhưng giá có xu hướng tăng vào cuối tháng 1, đặc biệt sau Tết khi nguồn cung trên thế giới bắt đầu giảm vào đầu mùa khô và tác động của chính sách Thái Lan mua trữ cao su khi giá giảm quá thấp. Giá SVR 3L vào ngày 31/01/2012 đạt 3.450 USD/tấn, tăng 6,1 % so với giá ngày 03/01/2012 (3.270 USD/tấn).

Trung bình tuần giá mủ nước cao su tại Bình Phước giảm 160 đồng/kg xuống16.800đồng/kg so với tuần trước. Giá mủ cao su đông tại Đồng Nai tuần này ở mức 22.000 đồng/kg.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 diện tích cây cao su giữ nguyên mục tiêu 800 ngàn ha, sau năm 2015 sẽ được xem xét điều chỉnh diện tích cao su phù hợp, hiệu quả và bền vững. Ngành cao su sẽ cần đầu tư tăng thêm công suất sơ chế cao su khoảng 500.000 tấn để đáp ứng nhu cầu do sản lượng tăng. Nhà nước khuyến khích xây dựng các nhà máy sản xuất săm lốp ô-tô, săm lốp xe máy, sản phẩm cao su để đưa tỷ trọng sử dụng cao su trong nước lên tối thiểu 30% và năm 2020 (hiện nay là khoảng 18 %). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích cây cao su đến cuối năm 2011 ước khoảng 834,2 ngàn ha. Từ năm 2012, diện tích cao su cần tái canh khá lớn khoảng 10 ngàn ha hàng năm, nhưng trồng mới cao su vẫn được tiếp tục nếu thị trường và giá cao su thuận lợi, tổng diện tích cao su sẽ vượt hơn chỉ tiêu 800.000 ha.

Tin vắn

+Hiệp hội Sản xuất Lốp xe Ấn Độ (ATMA) hiện đang yêu cầu chính phủ miễn thuế hải quan một số nguyên liệu không thể sản xuất trong nước như: cao su butyl, cao su styrene butadiene, cao su EPDM và dây lốp polyester với mức thuế hải quan tương ứng hiện tại là: 5%, 10%, 10% và 5%.

+ Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của ngành lốp xe Trung Quốc đề xuất thúc đẩy triển khai công nghệ sản xuất và sử dụng các nguyên liệu khác và thay thế cao su thiên nhiên. Kế hoạch cũng đề xuất thúc đẩy công nghệ sản xuất tiến bộ để triển khai lốp xe tiết kiệm năng lượng cũng như lốp xe radian cho tải nặng và xe khách thành tích cao. Ước tính là tổng nhu cầu lốp xe Trung Quốc sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 6% và đạt 569,5 triệu chiếc vào năm 2015, bao gồm 480 triệu lốp xe radian.

+ Những nhà sản xuất cao su tại Indonesia đang phản đối kế hoạch tăng thuế xuất khẩu cao su của chính phủ vì cho rằng điều đó sẽ gây hậu quả tồi tệ đối với xuất khẩu nước này.

Nguồn: