Theo số liệu thống kê, nếu như tháng 9/2010 cả nước xuất khẩu 82 nghìn tấn cao su, đạt kim ngạch 241 triệu USD, thì sang đến tháng 10, xuất khẩu sản phẩm này tăng 3,6% với 85 nghìn tấn, đạt kim ngạch 267 triệu USD, nâng xuất khẩu mặt hàng này 10 tháng đầu năm lên 598 nghìn tấn , đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với 10 tháng năm 2009.
Trong tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2010 các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã thực thi nhiều biện pháp hành chính để gây áp lực giảm cầu (ảo), nhằm đưa giá giao dịch cao su thiên nhiên đang từ rất cao xuống còn 25.300 NDT/T trong tuần này. So với tuần lễ trước đó, mỗi tấn cao su đã giảm giá 1000 NDT. Các công ty, đơn vị và tư thương của Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu cao đã giảm sản lượng giao dịch xuống mức trung bình 500 tấn/ngày. Đây là mức giao dịch thấp nhất trong vòng 2 tháng qua và chỉ nâng cao trở lại khi hai bên có thỏa thuận khôi phục xu hướng tăng giá như tuần lễ trước đó. Hiện nay, bên cửa khẩu tiểu ngạch La Phù vẫn còn khoảng 30 doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc có mặt để giao dịch nhập khẩu cao su của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của phía đối tác vẫn đang ở mức cao. Theo dự báo, từ đầu trung tuần tháng 11/2010, giao dịch xuất nhập khẩu cao su tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm – La Phù sẽ có sự bứt phá mới, tăng sản lượng và giá, do nhu cầu của phía đối tác tăng rất mạnh, đủ sức phá vỡ sự kiềm chế mang tính khiên cưỡng của các cơ quan quản lý.
Cao su hỗn hợp được chế biến tại Móng Cái để xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng dần sản lượng so với tuần trước đó, tăng 60 tấn, hiện sản lượng xuất đã đạt 380 tấn/ngày. Có khả năng đến giữa tháng 11 sẽ đạt 500 tấn/ngày. Giá cao su hỗn hợp xuất khẩu đang giao dịch là 25.800 NDT/T.
Theo số liệu từ hải quan VN, lượng cao su VN xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2009 đạt khoảng 494.000 tấn, chiếm 67% lượng cao su xuất khẩu của cả nước, trong đó xuất khẩu theo đường mậu biên là 372.000 tấn, chiếm 51% tổng lượng cao su VN xuất khẩu và chiếm 76% lượng cao su VN xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc (FOB, FCA, CIF...) chỉ chiếm 9% tổng lượng cao su VN xuất khẩu. Tháng 9/2010, Trung quốc đã nhập 48,8 nghìn tấn cao su từ thị trường Việt nam, đạt kim ngạch 146,7 triệu USD giảm 24% về lượng và 10,9% về trị giá so với tháng liền kề trước đó, tính chung 9 tháng đầu năm 2010, Trung quốc đã nhập 301,3 nghìn tấn cao su, với kim ngạch 821,2 triệu USD giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 65,5% về tri giá so với cùng kỳ năm 2009.
Tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế RubberVietnam 2010 do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Công ty ASIF International (M) Sdn Bhd tổ chức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su và thứ 4 thế giới về sản lượng xuất khẩu cao su tự nhiên. Sản lượng cao su của Việt Nam được xuất khẩu ra 39 nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 60%. Năm 2010 là năm kỉ lục đối với ngành cao su trong nước vì giá bán cao su liên tục tăng, có lúc trên 4.000 USD/tấn
Sản lượng cao su thiên nhiên của nước ta tăng nhanh qua các năm, từ 220.000 tấn năm 1996 lên đến 550.000 tấn năm 2007. Năm 2009, sản lượng cao su xuất khẩu đạt gần 732.000 tấn, sản phẩm cao su đạt 175 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 1,6 tỷ USD với 598 nghìn tấn, dự tính sản lượng cả năm đạt 750.000 tấn với kim ngạch 1,8-2 tỷ USD.
Cao su được xem là cây đa mục tiêu, cây trồng chương trình tái tạo rừng, xóa đói giảm nghèo, hiện đại hóa vùng nông thôn và đang được mở rộng diện tích trồng tại các vùng phi truyền thống là Duyên hải miền Trung và Tây Bắc. Mục tiêu của ngành cao su Việt Nam đến năm 2015 là nâng diện tích trồng lên 800.000 ha và đạt sản lượng 1,2 triệu tấn vào năm 2020.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, khả năng mở rộng diện tích cao su trong nước không nhiều do quỹ đất hạn chế. Diện tích trồng tại các khu vực truyền thống đang bị thu hẹp dần, Tập đoàn buộc phải mở rộng ra ở những khu vực phi truyền thống, ở biên giới và hợp tác với nước bạn Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, một số nước châu Phi. Để phát triển bền vững cho tiêu thụ và xuất khẩu cao su, tại hội nghị đã đề xuất ra một số giải pháp. Đó là:
Thứ nhất,cần định hướng thị trường rộng mở xuất khẩu qua nhiều nước, tránh lệ thuộc quá nhiều vào mậu biên.
Thứ hai, việc xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tạo lập một số ngoại tệ mạnh cần thiết để đầu tư ra nước ngoài. Khi có ngoại tệ mạnh (USD), công ty có thể vay USD từ ngân hàng với lãi suất phù hợp, phục vụ cho nhu cầu khi cần.
Thứ ba, định hướng xuất khẩu là 30% trên tổng sản lượng - có tính đến quy mô tối ưu cho hoạt động xuất khẩu, trong đó kỳ hợp đồng dài hạn đạt 10 - 15%.
Thứ tư, ưu tiên bán một số lượng cho các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp trong nước.
Thứ năm ,chú trọng công tác quản lý chất lượng, kiểm phẩm, bao bì và đạt được sự tín nhiệm, phê chuẩn của khách hàng lớn trên toàn thế giới.
Thứ sáu, chú trọng cơ cấu chủng loại, đặc biệt nên nghiên cứu sản xuất thêm mủ RSS, là chủng loại có tính năng vượt trội cho săm lốp, hiện có giá rất cao trên thị trường thế giới.
Thứ bảy ,nâng cao chữ tín trong giao dịch với khách hàng, xây dựng các hợp đồng ngoại thương tiêu chuẩn, phù hợp với các cam kết quốc tế mà VN đã tham gia.
Thứ tám, cần củng cố nhân sự phòng kinh doanh. Nếu công ty có sản lượng trên 7.000 tấn/năm nên thành lập phòng XNK rồi tiến tới thành lập các văn phòng đại diện để hỗ trợ xuất khầu.