Giá phân urê tăng lên mức kỷ lục, gây khó khăn cho hoạt động của nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, vận tải cho đến thực phẩm, đồ uống ở nhiều nước trên thế giới.
Do thiếu hụt nguồn cung, giá phân urê đã tăng lên đến mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ. Trong thời buổi thiếu thốn mọi thứ và lạm phát tăng cao, câu chuyện thiếu phân urê có vẻ không quá gây ngạc nhiên. Nhưng phân urê thực sự đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ nông nghiệp. Nguồn cung phân urê khan hiếm đang gây ra các gián đoạn kinh tế trên toàn cầu.
Urê là một loại phân bón chủ lực của ngành nông nghiệp, vì vậy, giá mặt hàng này tăng cao rốt cục sẽ đẩy tăng chi phí cao hơn tại các bàn ăn trên khắp thế giới. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Đại dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều người phải đối mặt với nạn đói, và giá thực phẩm tăng có thể khiến nhiều người gặp khó khăn hơn trong chi tiêu cho nhu cầu ăn uống cơ bản.
Một nguyên nhân lớn khiến giá phân urê tăng cao là giá than và khí đốt tăng cao. Phân urê được sản xuất thông qua một quy trình chuyển hóa khí tự nhiên hoặc khí có nguồn gốc từ than đá thành khí amoniac (NH3), sau đó, khí này được sử dụng để tổng hợp urê.
Nhưng sự kết hợp của các yếu tố khác cũng đang đẩy giá phân urê tăng cao hơn nữa. Trung Quốc và Nga, hai trong số các nhà sản xuất lớn phân urê lớn nhất, đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để đảm bảo nguồn cung cho nông dân của họ. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến ở Trung Quốc trong thời gian gần đây có một số khu vực thiếu điện, buộc các nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, siêu bão Ida đổ bộ vào bang Louisiana của Mỹ hồi cuối tháng 8 cũng khiến một số nhà máy hóa chất lớn phải tạm ngừng hoạt động. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Belarus cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kali, một loại phân bón khác, ở nước này. Tình trạng ùn tắc tại cảng và giá cước vận tải biển cao, cũng làm tăng thêm chi phí phân urê.
Tất cả những điều này đang gây tác động rộng lan tỏa trên khắp thế giới. Tại Ấn Độ, tình trạng thiếu phân bón đang đe dọa các vụ mùa gieo trồng trong mùa đông, khiến nông dân ùn ùn kéo đến biểu tình bên ngoài các các trung tâm bán phân bón trợ giá của nhà nước và đụng độ với cảnh sát.
Khi tình trạng thiếu phân bón diễn ra vào mùa thu năm nay, Danpal Yadav, 44 tuổi, một nông dân trồng lúa ở Madhya Pradesh, một bang miền trung Ấn Độ, đã rơi vào cảnh lao đao vì nợ nần do năng suất cây trồng thấp trong mùa vụ trước đó. Gia đình ông cho biết, ông đã nhiều lần đến các các trung tâm phân phối phân bón của nhà nước nhưng lần nào cũng tay không trở về. Ông trở nên u uất và nói muốn tìm đến cái chết. Vào hôm 28-10, sau khi ngủ ở bên ngoài một trung tâm phân phối phân bón trong ba đêm mà vẫn không mua được, ông đã trở về nhà và chốt cửa lại, uống thuốc độc để tự tử. Khi được phát hiện, ông đã bất tỉnh và chết trên đường đến bệnh viện.
Trong khi đó, các tài xế tải ở Hàn Quốc đang lo lắng về việc họ không thể tiếp tục làm việc khi nguồn cung urê trở nên khan hiếm sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này hồi tháng 10. Nguyên nhân là vì phân urê là thành phần quan trọng trong một dung dịch công nghiệp, giúp giảm lượng khí thải carbon ở xe tải. Các quy định bảo vệ môi trường của Hàn Quốc bắt buộc xe tải chạy bằng diesel phải sử dụng dung dịch này. Các hệ thống điều khiển điện ở xe tải chạy bằng diesel sẽ ngăn động cơ khởi động nếu bồn dung dịch urê trống rỗng.
Thiếu phân urê thậm chí có thể gây tác động lớn hơn đối với ngành công nghiệp Hàn Quốc vì các quy định bảo vệ môi trường bắt buộc một số nhà máy phải sử dụng dung dịch urê để hạn chế khí thải nhà kính, nếu không sẽ bị phạt tiền. Giá dung dịch urê ở Hàn Quốc đã tăng gấp 10 lần. Hàn Quốc dừng sản xuất phân urê vào năm 2011 bởi nhận thấy nhập khẩu mặt hàng này sẽ có chi phí rẻ hơn.
Tại Anh, người dân đang lo lắng các loại đồ uống có ga sẽ thiếu hụt khi nguồn cung CO2 (carbon dioxide) thực phẩm bị gián đoạn. Nguyên nhân là vì hãng sản xuất phân bón CF Industries, đã tạm dừng hoạt động 2 nhà máy ở Anh vào tháng 9 do giá khí đốt tự nhiên tăng cao. CO2 thực phẩm là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất amoniac. Hiện tại, một trong hai nhà máy nói trên đã hoạt động trở lại.
Đối với câu hỏi lớn rằng liệu giá phân bón cao có đẩy tăng giá lương thực trên toàn cầu trong thời gian tới hay không , John Baffes, một nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), tin rằng nhiều nông dân phần lớn đã chốt giá phân bón cho mùa vụ hiện tại. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu đến sang năm, giá than và khí tự nhiên vẫn duy trì mức cao như hiện tại thì chắc chắn giá lương thực sẽ tăng.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thương mại phân bón toàn cầu. Nước này chiếm 1/10 sản lượng phân urê xuất khẩu và 1/3 sản lượng phân DAP (diamoni phosphate) xuất khẩu của toàn thế giới. Darin Friedrichs, nhà phân tích của Công ty tư vấn of Sitonia Consulting ở Thượng Hải, cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc chú ý hơn đến vấn đề an ninh lương thự kể từ lúc đại dịch Covid-19 xảy ra. Hồi tháng 6, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt hàng tỉ đô la trợ cấp cho nông dân khi giá phân bón và nhiên liệu bắt đầu tăng mạnh. Một tháng sau đó, sau cuộc họp với Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, các nhà sản xuất phân bón lớn của Trung Quốc nhất trí tạm dừng xuất khẩu.