Giá ca cao cao nhất 32 năm; Giá lúa mì cao nhất 6 tháng; Giá dầu và đồng giảm nhẹ; Chứng khoán thế giới tăng; USD thấp nhất 2 tháng so với Euro.
Giá ca cao trên thị trường Luân Đôn quay trở lại mức cao của 32 năm trở lại đây sau khi châu Âu công bố kết quả hoạt động nghiền ca cao quý 2 tăng bởi nhu cầu đồ uống và nguyên liệu pha chế tăng. Giá lúa mì tại Mỹ quay lại mức cao của 6 tháng qua và đứng đầu mức tăng trong các loại hàng hoá.
Giá các nguyên liệu thô công nghiệp như dầu mỏ và đồng giảm nhẹ sau khi Mỹ công bố kết quả cuộc họp của Fed tháng trước cho thấy cơ quan này giảm dự báo về triển vọng kinh tế.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà đầu tư đang tập trung chú ý vào thông tin tỷ lệ thất nghiệp hàng tuần và giá sản xuất tháng 6 tại Mỹ sẽ công bố hôm nay để có cái nhìn rõ hơn về sự hồi phục của nền kinh tế.
Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô tăng 0,1% trong phiên giao dịch hôm qua và vững ở mức cao của 2 tháng. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp mặc dù giá dầu giảm - mặt hàng có sức ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số này.
Trên thị trường Luân Đôn, giá ca cao kỳ hạn tháng 9 trong phiên hôm qua tăng 39 bảng tức 1,6% so với phiên trước đó và đóng cửa ở 2.436 bảng/tấn, sau khi chạm 2.465 bảng/tấn – cao nhất kể từ năm 1978. Đà tăng của giá mặt hàng này bật mạnh sau khi châu Âu công bố nghiền ca cao của khu vực đã tăng 12,7% trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, lên 328.704 tấn.
Đà tăng của thị trường Luân Đôn đã giúp giá ca cao trên thị trường New York tăng lên mức cao của 7 tháng. Giá ca cao kỳ hạn tháng 9 tăng 108 USD, tương đương 3,8% và đóng cửa ở 3.153 USD/tấn - mức đóng cửa cao nhất của kỳ hạn thứ 2 kể từ ngày 06/5.
Giá lúa mì giao tháng 9 tại Chicago đạt 5,64 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 14/1, trước khi đóng cửa ở 5,59 USD/bushel, tăng gần 2% so với phiên trước đó. Kể từ đầu tháng 7 tới nay, giá lúa mì kỳ hạn đã tăng gần 17%, tiếp theo đà tăng của cuối tháng 6, bởi những dự đoán thời tiết nóng tại châu Âu sẽ ảnh hưởng tới mùa vụ và làm giảm sản lượng lúa mì toàn cầu.
Giá dầu và đồng cùng đi xuống trong phiên hôm qua sau khi các nhà đầu tư phản ứng lại thông tin cuộc họp của Fed tháng trước cho thấy ngân hàng trung ương đã xem xét đến các biện pháp mới nhằm hỗ trợ cho kinh tế Mỹ nếu cần thiết. Ngoài ra, doanh số bán lẻ tháng 6 của Mỹ do Bộ Thương mại công bố giảm hơn dự đoán trước đó cũng gây sức ép lên các hàng hoá công nghiệp.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 giảm 11 cent và đóng cửa phiên 14/7 ở 77,04 USD/thùng. Giá đồng giao tháng 9 trong khi đó giảm 0,9 cent xuống còn 3,0175 USD/lb.
Trên thị trường tài chính tiền tệ, đồng USD sụt giảm còn chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed nhấn mạnh đến nỗi lo đà hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới.
USD giảm so với Yên Nhật và đứng ở mức thấp nhất 2 tháng so với Euro sau khi Fed thông báo kết quả cuộc họp ngày 22 – 23/6 làm tăng thêm nỗi lo về tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ. Trước đó, chính phủ báo cáo doanh số bán lẻ tháng 6 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp.
So với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ, USD cũng suy yếu, chỉ số đồng USD giảm 0,32% xuống còn 83,374. So với Euro, USD giảm 0,09% xuống 1,2738 USD. So với Yên, USD giảm 0,32% còn 88,27 yên.
Cuối phiên giao dịch hôm qua, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 3,70 điểm, tương đương 0,04% lên 10.366,72 điểm. Trong 7 ngày qua, chỉ số này đã tăng tổng cộng 7% và có chuỗi ngày tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 7/2009.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,17 điểm, tức 0,02% xuống 1.095,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 7,81 điểm tức 0,35% lên 2.249,84 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE của thị trường Anh hạ 0,33%, chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 0,3%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp hạ 0,1%.
Trên thị trường châu Á, chứng khoán đã leo lên mức cao nhất 3 tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 2,7% và đạt mức cao nhất 3 tuần còn chỉ số MSCI trừ Nhật tăng 1,4%.