Triển vọng năm 2023 đối với công nghiệp hóa chất ở một số khu vực hàng đầu trên thế giới

05:30 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Ba, 2023

Công nghiệp hóa chất Mỹ với rủi ro suy thoái kinh tế nhẹ      

Trong thời gian qua, nhiều nhà kinh tế đã dự báo khả năng xảy ra suy thoái nhẹ của nền kinh tế Mỹ vào đầu năm nay. Suy thoái kinh tế sẽ kéo theo sự sụt giảm nhu cầu và hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp hóa chất (CNHC). Tuy nhiên, lợi thế về giá nguyên liệu sẽ tiếp tục giúp CNHC Mỹ duy trì năng lực cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng xuất khẩu nếu nhu cầu ở nước ngoài không giảm.

Giá cao do lạm phát đã tác động đến túi tiền của người tiêu dùng Mỹ. Đáp lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, qua đó làm tăng chi phí vay mượn cho những khoản mua sắm lớn, ví dụ mua nhà hoặc xe ôtô. Hơn nữa, nền kinh tế suy yếu của châu âu và Trung Quốc cũng góp phần làm tăng rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh tế cho rằng suy thoái kinh tế tại Mỹ sẽ chỉ diễn ra nhẹ và trong thời gian ngắn nhờ thị trường lao động ổn định, tình hình tài chính của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn tương đối lành mạnh. 

Hội đồng hóa chất Mỹ (ACC) cũng dự báo suy thoái kinh tế sẽ chỉ ở mức nhẹ nhàng. Năm 2022 CNHC Mỹ đã đạt những kết quả tốt đẹp, sản lượng hóa chất tăng 3,9%, nhưng nay ACC dự kiến sản lượng hóa chất trong nước năm 2023 sẽ giảm 1,2%. 

Một trong những lý do dẫn đến khả năng suy giảm sản lượng hóa chất năm 2023 là hoạt động xây nhà - thị trường tiêu thụ các sản phẩm hóa chất quy mô lớn - có xu hướng giảm do chi phí lãi vay tăng cao.

Nhưng ngành sản xuất xe ôtô - một thị trường lớn khác của ngành hóa chất - có thể trở thành điểm sáng, sau khi tình trạng thiếu chip máy tính cho xe ôtô đã được khắc phục. ACC dự báo doanh số xe ôtô hạng nhẹ của Mỹ sẽ tăng từ 13,8 triệu chiếc năm 2022 lên 14,9 triệu chiếc trong năm nay. 

Theo truyền thống từ trước đến nay, số phận của CNHC Mỹ phụ thuộc ở mức độ lớn vào năng lực cạnh tranh trên toàn cầu đối với sản phẩm etylen và các sản phẩm hóa dầu cơ bản khác. Nhu cầu các sản phẩm hóa dầu cơ bản đã giữ ở mức cao trong nửa đầu năm 2022, nhưng sau đó giảm dần đến giữa năm, hàng tồn kho gia tăng khiến cho các nhà sản xuất hóa dầu phải giảm tỷ lệ vận hành thiết bị.

Theo Công ty tư vấn Wood Mackenzie, thị trường hóa dầu tại Bắc Mỹ sẽ trở nên cân bằng hơn trong quý II/2023, lượng hàng tồn kho sẽ giảm dần.

Giá năng lượng ở mức thấp sẽ là yếu tố tích cực cho CNHC Mỹ trong năm 2023. Chiến tranh Nga-Ucraina đã tạo ra cơn sốc trên thị trường năng lượng thế giới năm 2022, cho đến tháng 6/2022 giá dầu mỏ đã tăng mạnh khoảng 50%, sau đó mới bắt đầu giảm.

Tác động của chiến tranh đối với giá khí thiên nhiên còn mạnh hơn, đặc biệt là ở châu Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nga, tuy nhiên Mỹ cũng không tránh được tác động này. Giá khí thiên nhiên tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập niên, khi các nhà sản xuất chuyển hướng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng đến châu Âu.  

Trên thị trường các sản phẩm hóa dầu, các nhà quan sát hiện đang theo dõi xem trong thời gian tới thị trường Trung Quốc có đủ mạnh để thu hút nhập khẩu từ Mỹ. Trung Quốc phải nhập khẩu 40% lượng tiêu thụ polyetylen để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng thời gian qua chính sách zero-COVID đã làm cho hoạt động kinh tế của quốc gia này tăng trưởng chậm lại.

CNHC châu Âu dưới tác động của giá khí thiên nhiên cao

Năm 2022, CNHC châu Âu đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do giá năng lượng cao và điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn khi Nga quyết định cắt giảm nguồn cung khí thiên nhiên. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023.

Theo Ủy ban Kinh tế châu Âu, triển vọng kinh tế của EU đã suy yếu đáng kể. Ủy ban dự báo kinh tế của khu vực sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023 và 1,6% năm 2024. Các công ty hóa chất châu Âu cũng cho rằng hiện đang có quá nhiều bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, điều may mắn là giá khí thiên nhiên đã giảm từ những mức cao kỷ lục vào mùa hè 2022 - khi đó một số công ty hóa chất đã phải tạm dừng sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy. Hiện giá khí thiên nhiên đã giảm xuống sát mức giá như trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina, một phần là nhờ mùa đông không quá khắc nghiệt khiến cho nhu cầu về năng lượng sưởi giảm. Hơn nữa, khí thiên nhiên hóa lỏng do Mỹ cung cấp đang đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu. 

Công ty tư vấn đầu tư Jefferies dự báo, tình hình tài chính của các công ty hóa chất hàng đầu châu Âu ít có khả năng sẽ được cải thiện nhiều trong năm 2023 và quá trình hồi phục sẽ không ổn định.

Hiệp hội hóa chất Đức (VCI) miêu tả tình hình hiện nay là “khó khăn kéo dài” và dự kiến sẽ còn nhiều cản trở ở phía trước. Hội đồng hóa chất Mỹ đưa ra dự báo lạc quan hơn, cho rằng sản xuất hóa chất ở Tây Âu sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm 2023, sau khi đã giảm 3,2% trong năm 2022.

Nhưng bất chấp triển vọng tăng trưởng nhẹ, các công ty hóa chất lớn ở châu âu như BASF và Evonik Industries đang phản ứng trước tình hình thị trường khó khăn bằng cách cắt giảm mạnh chi phí vận hành và đầu tư trong khu vực. Tập đoàn BASF dự định sẽ cắt giảm chi phí ở mức gần 500 triệu Euro/năm trong 2 năm tới, chủ yếu là tại châu Âu. Công ty Evonik cũng sẽ cắt giảm hoạt động ở châu Âu. Với dự báo chi phí năng lượng sẽ tăng tiếp 310 triệu Euro, lên 1,7 tỉ Euro trong năm 2023, Evonik dự định sẽ chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng thay cho khí thiên nhiên.

CNHC Trung Quốc bước sang giai đoạn hồi phục  

Sau khi trải qua năm 2022 đầy khó khăn, năm 2023 CNHC Trung Quốc dự kiến sẽ được hưởng lợi nhờ việc chính phủ nước này quyết định chấm dứt chính sách zero-COVID. 

Trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu của ngành hóa chất Trung Quốc tăng 13,6%, đạt 1,1 nghìn tỉ USD, chủ yếu nhờ sự tăng giá của dầu mỏ, tuy nhiên lợi nhuận chỉ đạt 93 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Bức tranh ảm đạm về lợi nhuận là sự thay đổi lớn so với năm 2021 và ngay cả so với quý I/2022, khi nhu cầu mạnh trên toàn cầu đối với các sản phẩm điện tử và tiêu dùng của Trung Quốc đã tạo động lực mạnh cho doanh thu của ngành hóa chất. Nhưng sau đó, chính sách phong tỏa chống dịch covid-19 trên toàn quốc được áp dụng từ quý II/2022 và đặc biệt là 2 tháng phong tỏa Thượng Hải - trung tâm kinh tế chủ chốt của đất nước - đã làm tổn thương nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có ngành hóa chất.

Việc nới lỏng các yêu cầu cách ly đang tạo ra môi trường hoàn toàn khác trong năm 2023. Từ đầu tháng 12/2022, chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ hầu như tất cả các biện pháp chống dịch chặt chẽ.

Đáng chú ý là sự bùng nổ bất ngờ của dịch COVID-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành dược phẩm, ví dụ nhu cầu đối với các thuốc giảm đau như axetaminophen đã tăng cao. Trong khi đó, ngành sản xuất các sản phẩm nông hóa cũng có 1 năm phát triển tốt khi giá phân bón tăng mạnh.

Các chuyên gia phân tích thị trường hóa chất Trung Quốc đã đưa ra những đánh giá lạc quan đối với năm 2023, cho rằng đây sẽ là năm khởi đầu cho sự phát triển bùng nổ của ngành hóa chất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với những báo cáo về các trường hợp lây nhiễm và tử vong do dịch covid-19, những thách thức đối với quá trình hồi phục kinh tế nói chung và hồi phục của ngành hóa chất Trung Quốc nói riêng vẫn còn rất lớn.

Nguồn: