Nền kinh tế của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các biện pháp hạn chế chưa từng có tiền lệ, chủ yếu do hậu quả của chính sách chống dịch COVID chặt chẽ mà chính phủ nước này đang theo đuổi.
Chính sách zero-COVID
Khi tình trạng phong tỏa theo chính sách zero-COVID tại Trung Quốc được nới lỏng vào đầu tháng 6.2022, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo sự hồi phục kinh tế dựa trên xuất khẩu của quốc gia này. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì Bắc Kinh vẫn kiên quyết đi theo chính sách zero-COVID, với những đợt nới lỏng-thắt chặt xen kẽ nhau của các biện pháp phong tỏa.
Trung Quốc đã không thể cho phép mình từ bỏ chính sách zero-COVID, vì vắc-xin sản xuất trong nước không đủ hiệu quả để ngăn ngừa các triệu chứng nặng ở những bệnh nhân COVID-19 và tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp ở những người cao tuổi. Nếu từ bỏ chính sách này, hệ thống y tế trong nước sẽ bị quá tải nghiêm trọng.
Nhiều người lái xe giao hàng ở các địa phương cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn khi di chuyển từ một thành phố hoặc một khu vực đến những địa điểm khác do những quy tắc phong tỏa không thể lường trước của các chính quyền địa phương. Nhu cầu giao hàng online là yếu tố quan trọng đối với việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh phong tỏa kéo dài, tuy nhiên hiện nay nhu cầu này vẫn đang ở mức thấp hơn thời kỳ trước khi áp dụng chính sách zero-COVID.
Giữa tháng 7/2022, 41 thành phố Trung Quốc đã nằm trong trạng thái phong tỏa một phần hoặc kiểm soát theo các quận, huyện. Tình trạng cách ly phong tỏa ảnh hưởng đến người dân ở những khu vực chiếm 18,7% hoạt động kinh tế của cả nước, nhiều hơn mức 17,5% một tuần trước đó.
Xu hướng phong tỏa ngày càng nhiều như trên sẽ tiếp tục bao lâu, khi virut corona không thể hiện dấu hiệu sẽ đột biến thành các dạng ít độc hại hơn? Trên thực tế, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron lại đang lây lan rất nhanh và trở nên nguy hiểm hơn.
Nếu phát triển thành công vắc-xin mRNA hiệu quả cao của riêng mình, Trung Quốc sẽ có khả năng tiêm chủng nhanh chóng cho người dân và kết thúc chính sách zero-COVID. Khi đó, nhu cầu và giá hóa chất trên thị trường thế giới sẽ tăng mạnh.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ khó chấm dứt ngay chính sách zero-COVID chặt chẽ cùng với việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa diện rộng. Vì vậy, nhiều khả năng là các đợt phục hồi theo kiểu nới lỏng-thắt chặt phong tỏa sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Nhu cầu hóa chất suy yếu
Do nhập khẩu cao hơn, đặc biệt đối với một số hóa chất chuyên dụng, Trung Quốc đang là quốc gia nhập khẩu ròng hóa chất.
đối với một số hóa chất, Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất nhưng cũng là quốc gia tiêu thụ lớn nhất. Ví dụ, quốc gia này chiếm 42% công suất sản xuất PVC của thế giới, trong khi đó chiếm 43% tỷ lệ tiêu thụ trên toàn cầu. Ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 50% công suất sản xuất axit adipic toàn cầu, chỉ cao hơn không đáng kể so với tỷ lệ tiêu thụ.
Ở một số sản phẩm khác như silicon, Trung Quốc vừa là quốc gia sản xuất, xuất khẩu quy mô lớn (chiếm 64% sản lượng toàn cầu), vừa là quốc gia tiêu thụ quy mô lớn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, tăng trưởng nhu cầu hóa chất đối với nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc, ví dụ công nghiệp hàng tiêu dùng và ngành sản xuất điện tử, dự kiến sẽ suy yếu.
Trong tương lai, nhu cầu hóa chất của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, nhưng sẽ không còn ở quy mô như đã giả thiết trước đây trong các mô hình về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Điều quan trọng là một phần khá lớn nhu cầu của Trung Quốc sẽ được đáp ứng bằng sản xuất trong nước khi quốc gia này đang ngày càng tăng khả năng tự cung tự cấp đối với những sản phẩm như HDPE, PP, styren, ethylen glycol, paraxylen,... Về dài hạn, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tái chế cơ học và tái chế hóa chất cũng sẽ đóng vai trò lớn đối với khả năng tự cung tự cấp hóa chất của Trung Quốc.
Do hậu quả của các biện pháp chống dịch theo chính sách zero-COVID nên về ngắn hạn và trung hạn Trung Quốc sẽ không còn đóng vai trò như động lực nhu cầu đối với các ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hóa chất nói riêng trên thế giới, vai trò mà nhờ đó các nền kinh tế trên thế giới đã đạt được những thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao hơn dự báo.