Vừa qua, các công ty Algiêri là Asmidal (chi nhánh của Tập đoàn Sonatrach) và Manal đã ký với các công ty Trung Quốc WUHUAN và TIANAN hợp đồng thành lập công ty liên doanh để thực hiện các hoạt động phát triển dự án khai thác quặng phốtphat tại Algiêri.
Phía Algiêri sẽ sở hữu 56%, phía Trung Quốc sở hữu 44% cổ phần trong công ty liên doanh mới với tên gọi Công ty phân bón Algiêri-Trung Quốc (ACFC).
Ngày nay, Trung Quốc đã nổi lên như thị trường nhập khẩu chính của Algiêri, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã vượt quá thương mại giữa Algiêri với các đối tác truyền thống ở châu Âu.
Với số vốn đầu tư khoảng 7 tỉ USD, dự án của Công ty ACFC là dự án tổng hợp đầu tiên tại Algiêri trong lĩnh vực khai thác và sản xuất phân lân. Dự án này sẽ bao gồm hoạt động phát triển, khai thác mỏ quặng phốtphat tại Bled El-Hadba, chuyển đổi thành các sản phẩm phốtphat tại Oued Keberit và sản xuất phân bón tại Hadjar Soud, đồng thời cũng bao gồm một tiện ích kho cảng tại cảng Annaba.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành dự án Công ty ACFC sẽ sản xuất mỗi năm 5,4 triệu tấn phân bón.
Cách đây 4 năm, các công ty Manal và Asmidal cũng đã ký với Tập đoàn CITIC của Trung Quốc hợp đồng liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất phân lân tại tỉnh Tebessa, miền Đông Algiêri. Đây là dự án có vốn đầu tư 6 tỉ USD và vào lúc đó là dự án kinh tế lớn nhất Algiêri trong hơn 1 thập niên. Theo kế hoạch, dự án sẽ tăng sản lượng của mỏ quặng phốtphat Bled El-Hadba từ 1 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm.
Chính phủ Algiêri đang đặt mục tiêu tăng sản lượng các sản phẩm phốtphat lên 30 triệu tấn/năm vào năm 2030. Khi đó, đất nước này sẽ là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân lân cũng như các sản phẩm phốtphat lớn nhất thế giới.
Dưới thời Pháp thuộc, vào thập niên 1900 Algiêri đã là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm phốtphat lớn thứ hai thế giới với khối lượng xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn, chỉ đứng sau Mỹ với 3,2 triệu tấn. Nhưng sau khi giành được độc lập, chính phủ Algiêri đã không chú trọng đến ngành khai khoáng mà thay vào đó tập trung phát triển lĩnh vực dầu khí.
Nhu cầu phân lân toàn cầu đang liên tục tăng khi dân số thế giới ngày càng tăng và các phát triển kinh tế xã hội thúc đẩy mạnh nhu cầu lương thực thực phẩm ở các quốc gia. Theo FAO (Tổ chức nông lương LHQ) nhu cầu phân lân sẽ tăng 2%/năm và đạt 49 triệu tấn/năm vào cuối thập niên.
Hơn 80% trữ lượng quặng phốtphat trên thế giới hiện đang nằm ở Maghreb - khu vực bao gồm dãy Atlas và đồng bằng ven Địa Trung Hải của các nước Marốc, Algiêri, Tunisi, Libi. Ước tính, 50 tỉ tấn quặng phốtphat đang nằm ở Marốc và hơn 5 tỉ tấn nằm ở khu vực tranh chấp Tây Sahara.
Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng quặng phốtphat đã phát hiện ở Marốc chiếm khoảng 75% trữ lượng trên thế giới, tiếp theo là Trung Quốc với 6% thị phần, Algiêri đứng thứ 3 với 3 tỉ tấn quặng phốtphat.