Trung Quốc và các nước Trung Đông tăng cường hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, gây áp lực lên công nghiệp hóa chất Hàn Quốc

04:17 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Bảy, 2024

Trong 2 năm suy thoái kinh tế, công nghiệp hóa dầu Hàn Quốc đã nằm trong tình trạng khủng hoảng với những lo ngại ngày càng tăng về sự suy giảm dài hạn có tính cơ cấu. Những lo ngại này đã phát sinh sau khi Trung Quốc quyết liệt mở rộng cơ sở hạ tầng để gia tăng nguồn cung và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, trong khi đó các quốc gia Trung Đông cũng tham gia ngày càng nhiều hơn vào công nghiệp hóa dầu. Tại Hàn Quốc, công nghiệp hóa dầu đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 nhưng đã giảm xuống vị trí thứ tư trong năm 2022.

Trung Quốc và Trung Đông

Trung Quốc đã nổi lên như thách thức lớn nhất đối với các công ty hóa chất Hàn Quốc. Trong thời gian qua Trung Quốc đã tăng cường khả năng tự cung tự cấp và gia tăng mạnh khối lượng xuất khẩu, cạnh tranh gay gắt với các công ty hóa dầu Hàn Quốc. Nhưng trước đây đã có thời kỳ Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của các công ty Hàn Quốc.

Trên thực tế, năng lực sản xuất của các công ty Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, vượt kỷ lục thế giới là 50 triệu tấn etylen. Những công ty vận hành ở 80% công suất hiện đang dư thừa hàng tồn kho và buộc phải xuất khẩu sản phẩm sang Đông Á, chỉ để lại không gian thị trường hạn chế cho sản phẩm của Hàn Quốc.

Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông cũng đang định hướng lại chiến lược “Chuyển dầu mỏ thành hóa chất”, tập trung ưu tiên vào các sản phẩm hóa dầu. Khi tinh chế dầu thô để sản xuất các loại dầu, những quốc gia này đã xây dựng các cơ sở crăcking naphtha để tự sản xuất các nguyên liệu hóa chất cơ bản như etylen và propylen với giá thành thấp. Đây là chiến lược nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận, đáp ứng sự thu hẹp quy mô của ngành công nghiệp dầu mỏ do xu hướng giảm phát thải Cacbon.

Công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của Arập Xê-út là một trong những công ty đầu tư tích cực nhất vào lĩnh vực sản xuất hóa dầu. Sau khi mua lại Công ty SABIC - công ty hóa dầu lớn nhất Trung Đông - với giá 607 triệu USD vào năm 2017, Aramco đã tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỉ USD vào công nghiệp hóa chất trong thập niên tới. Hiện nay, Aramco đang thực hiện các dự án với tổng giá trị trên 38 tỉ USD, chủ yếu ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, Công ty đang thực hiện dự án “Shaheen” 6,85 tỉ USD tại Ulsan. Khi hoàn thành vào năm 2026, dự án sẽ có công suất 3,05 triệu tấn sản phẩm hóa dầu cơ bản, trong đó có 1,8 triệu tấn etylen. Trong khi đó, tổng công suất etylen của Hàn Quốc đã đạt 12,8 triệu tấn/năm (bao gồm 3,3 triệu tấn của LG Chem và 2,33 triệu tấn của Lotte Chemical). Như vậy, dự án Shaheen có thể làm cho tình trạng cung vượt cầu hiện nay tại Hàn Quốc càng thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, đang có những lo ngại ngày càng tăng về mối quan hệ chặt chẽ giữa Công ty Aramco với Trung Quốc, khi Công ty này và các công ty hóa dầu lớn của Trung Quốc đang sở hữu chéo cổ phần của nhau.  

Công nghiệp hóa dầu Hàn Quốc chịu áp lực

Theo Hiệp hội Công nghiệp hóa dầu Hàn Quốc, tỷ lệ vận hành công suất của các tổ hợp hóa dầu lớn tại Ulsan, Yeosu và Daesan dao động ở mức 74% trong năm nay. Đây là ngưỡng tối thiểu để duy trì sự vận hành của các nhà máy. Trên thực tế, các nhà máy này đang vận hành để thực hiện các hợp đồng đã ký. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi giá dầu mỏ ở mức cao 80$, chi phí sản xuất cao và nhu cầu suy yếu, các nhà máy sẽ càng thua lỗ nếu càng vận hành nhiều.

Các công ty hóa chất Hàn Quốc cũng đang tìm kiếm các hướng đi để đối phó với thực tế này. Công ty LG Chem đang tìm cách từ bỏ một số bộ phận sản xuất các sản phẩm đa dụng. Trong năm qua, Công ty Lotte Chemical đã bán đi tất cả các nhà máy sản xuất các sản phẩm đa dụng tại Trung Quốc và cũng đang tìm cách bán đi bộ phận sản xuất các hợp chất titan ở Malaysia.

Một chuyên gia hóa chất tại Đại học Sogang (Hàn Quốc) cho rằng sự suy yếu của công nghiệp hóa dầu cũng có nghĩa là sự suy yếu của ngành công nghiệp lọc dầu, chính phủ Hàn Quốc cần phải nhìn nhận tầm quan trọng của hệ sinh thái công nghiệp lọc dầu và hóa dầu, từ đó đưa ra những chính sách cần thiết để bảo vệ những ngành công nghiệp then chốt này.

Nguồn: