Tuy là quốc gia xuất khẩu ròng các loại hóa chất hàng hóa, Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu ròng những lượng lớn hóa chất chuyên dụng và hóa chất tinh khiết.
Một trong những mục tiêu hàng đầu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc vào hóa chất nhập khẩu. Mặc dù đây cũng là một phần của phản ứng trước những căng thẳng chính trị đang gia tăng với Mỹ, nhưng mục tiêu này phù hợp với những mục đích dài hạn của Trung Quốc, đặc biệt là sự dịch chuyển về hướng một nền kinh tế đổi mới hơn, khi quốc gia này đang nổi lên như một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Mục tiêu trên cũng phù hợp với chính sách “Vòng tuần hoàn kép” mà Bắc Kinh đang cổ vũ. Đây là chiến lược nhằm định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc bằng cách ưu tiên cho tiêu thụ trong nước đồng thời mở cửa với thương mại và đầu tư nước ngoài. So với tình hình trước khi được ban hành, chính sách này có nghĩa là tập trung mạnh hơn vào thị trường nội địa và giảm sự phụ thuộc vào thương mại với nước ngoài (kể cả xuất khẩu và nhập khẩu).
Tình hình cung ứng hóa chất Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp về hóa chất như thế nào?
Những dữ liệu thương mại gần đây cho thấy hiện đang có tình trạng thâm hụt thương mại lớn. Từ tháng 1 đến tháng 8-2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của công nghiệp hóa chất Trung Quốc đạt 544 tỉ USD, tăng khoảng 34% so với năm trước. Trong số đó, xuất khẩu chiếm 186 tỉ USD, nhập khẩu chiếm 358 tỉ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại 172 tỉ USD, tăng 25%.
Đây có lẽ là điều bất ngờ đối với những ai đã theo dõi những khiếu nại của Mỹ về chính sách thương mại và sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, một cách nhìn khác có thể giúp giải thích tình hình này. Mặc dù thực sự là quốc gia xuất khẩu ròng hóa chất hàng hóa, nhưng Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều hóa chất chuyên dụng và hóa chất tinh khiết. Kể cả nhiều sản phẩm hoàn thiện mà nước này sản xuất để xuất khẩu cũng sử dụng một lượng lớn nguyên liệu đầu vào là hóa chất tinh khiết. Tình hình đó có thể được miêu tả như “dư thừa ở đầu thấp, thiếu hụt ở đầu cao”, tức là dư thừa hóa chất cơ bản giá trị thấp và thiếu hụt hóa chất chức năng giá trị cao.
Trên thực tế, dư thừa công suất là vấn đề lớn hơn nhiều so với vấn đề thiếu công suất sản xuất hóa chất hàng hóa tại Trung Quốc. Mặc dù năm 2019 khoảng 60% sản phẩm hóa dầu trên thị trường Trung Quốc đã đứng trước tình trạng dư thừa hoặc dư thừa nghiêm trọng, nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng tiếp lên 75% vào năm 2025. Ví dụ, tỷ lệ công suất/ nhu cầu đối với etylen oxit tại Trung Quốc là 148%, do đó tỷ lệ sử dụng công suất chỉ đạt 67%. Tỷ lệ công suất/ nhu cầu đối với styren năm 2025 được dự báo là 127%. Trong khi đó, công suất PTA hiện tại đã đạt khoảng 60 triệu tấn/năm nhưng cũng được dự báo sẽ tăng thêm 30 triệu tấn/năm, dẫn đến tình trạng dư thừa lớn.
Nếu chính sách “Vòng tuần hoàn kép” được thực hiện nghiêm túc, Trung Quốc sẽ không thể dựa nhiều vào việc sử dụng những công suất dư thừa như trên cho hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, mục đích tự cung tự cấp đang tập trung rõ ràng vào sản xuất các loại hóa chất giá trị cao.
Sản xuất hóa chất cao cấp
Những dữ liệu sau cho thấy sự yếu kém của Trung Quốc trong lĩnh vực hóa chất cao cấp:
- Hóa chất chuyên dụng chỉ chiếm 45% trong tổng giá trị toàn ngành hóa chất, trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ và nhiều nước châu âu là 60-70%, riêng tại Thụy Sĩ lên đến 90%.
- Trên toàn cầu có khoảng 100.000 hóa chất tinh khiết khác nhau được sản xuất, nhưng ở Trung Quốc con số này chỉ đạt khoảng 20.000.
- Trong nhiều lĩnh vực hóa chất giá trị cao, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc khá thấp (ví dụ 65% đối với nguyên liệu hóa chất mới, dưới 50% đối với hóa chất điện tử).
- Theo thống kê năm 2018, Trung Quốc không có công suất sản xuất đáng kể ở trong nước đối với 32% trong số 130 nguyên liệu hóa chất cơ bản quan trọng và phụ thuộc vào nhập khẩu đối với 52% những hóa chất này.
- Trong số 10 nhà sản xuất hóa chất chuyên dụng hàng đầu thế giới không có mặt các công ty Trung Quốc.
Những biện pháp thực hiện
Sự hiện diện hạn chế của đất nước trong lĩnh vực hóa chất cao cấp trên thế giới đang là mối lo ngại lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Nhiều mục tiêu ở tầm cao của chính phủ như chuyển đổi Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên toàn cầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng quan trọng chiến lược như chất bán dẫn, cải thiện môi trường và dịch chuyển từ tăng trưởng kinh tế theo số lượng sang tăng trưởng kinh tế về chất lượng,... đều phụ thuộc mạnh vào các nguyên liệu hóa chất cao cấp. Hơn nữa, giá trị cao của những nguyên liệu này cũng đóng vai trò lớn trong việc ngăn Trung Quốc rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ sản xuất hóa chất chuyên dụng và hóa chất cao cấp. Một số trong những biện pháp đó là ở dạng trợ cấp tài chính, ví dụ miễn giảm thuế đối với các hoạt động nghiên cứu và triển khai, cấp đất cho doanh nghiệp và cho phép ưu tiên tiếp cận các khu công nghiệp hóa chất. Trong đó cũng bao gồm việc thành lập và nâng cấp các khu công nghiệp dành riêng cho sản xuất hóa chất tinh khiết, thành lập 10 trung tâm công nghệ hóa chất tinh khiết trong các lĩnh vực mới nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty.
Sản xuất hóa chất cao cấp phụ thuộc nhiều hơn vào kiến thức công nghệ so với cơ sở vật chất. Trong những năm qua Trung Quốc đã đạt một số tiến bộ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một số công ty chịu thiệt hại vì bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được tòa án quyết định cho nhận tiền bồi thường lớn đáng kể.
Các công ty hóa chất đa quốc gia cũng được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực hóa chất cao cấp tại Trung Quốc. Đặc biệt, yêu cầu thành lập liên doanh với các đối tác trong nước trong ngành hóa dầu đã được hủy bỏ, nhờ đó giảm sự lo ngại của các công ty nước ngoài về mất quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia sản xuất tại Trung Quốc.
Thoạt nhìn, một số trong các biện pháp như trên đã tạo thêm gánh nặng cho công nghiệp hóa chất Trung Quốc - ví dụ các quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ môi trường, bắt buộc di dời vào các khu công nghiệp hóa chất, mặc dù về lâu dài chúng có thể có lợi cho lĩnh vực hóa chất cao cấp. Một mặt, những quy định như vậy ảnh hưởng nhiều hơn đến các công ty nhỏ với các sản phẩm công nghệ thấp và giá trị thấp. Những biện pháp đó cũng dẫn đến việc dần đóng cửa các công ty yếu nhất, nhỏ nhất, dẫn đến xu hướng sát nhập thành các công ty lớn, đồng thời cũng dẫn đến sản xuất các sản phẩm với giá bán và biên lợi nhuận cao hơn, đáp lại cho phép các công ty đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và triển khai.
Những hệ quả đầu tiên của xu hướng dịch chuyển như trên là, trong danh sách 500 công ty hóa chất hàng đầu Trung Quốc hiện có khoảng 100 công ty mới, phần lớn tập trung vào hóa chất chuyên dụng giá trị cao, thay thế cho các công ty sản xuất hóa chất cơ bản. Vì vậy, nhìn chung cấu trúc của ngành hóa chất đang dịch chuyển về hướng hóa chất chuyên dụng.
Sự thay đổi đó cũng thể hiện trong những hoạt động gần đây của một số công ty hóa chất hàng đầu Trung Quốc, ví dụ Công ty Wanhua. Cách đây vài năm công ty này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm hóa dầu, nhưng những dự án gần đây đang tập trung rõ rệt vào hóa chất chuyên dụng trong những lĩnh vực như nguyên liệu pin, chất dẻo kỹ thuật.
Nhìn chung, Trung Quốc đã nhận ra rằng khi ngày càng nhiều lĩnh vực của công nghiệp hóa chất trở nên phổ biến thì việc đổi mới bằng cách chuyển sang sản xuất hóa chất chuyên dụng có thể là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất. Với sự hỗ trợ của nhà nước, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng mạnh trong những lĩnh vực như hóa chất điện tử, chất dẻo kỹ thuật, vật liệu sinh học, xúc tác kim loại, hóa mỹ phẩm, hương liệu.