Việt Nam sẽ xuất khẩu phân urê?

08:29 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Hai, 2012
Bộ Công Thương dự báo, năm 2012 Việt Nam cần phải nhập tới 2,34 triệu tấn phân bón, trong đó có 140.000 tấn urê. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình sản xuất phân bón cho vụ hè thu năm nay khá khả quan, đặc biệt, từ năm 2013, Việt Nam có thể xuất khẩu 500.000-700.000 tấn.

Theo ông Thúy, Việt Nam hiện có 4 nhà máy lớn sản xuất phân urê, đó là Nhà máy phân đạm Hà Bắc với công suất 200.000 tấn; Nhà máy phân đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn; Nhà máy đạm Cà Mau; Nhà máy đạm Ninh Bình…, chưa kể nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác như Lâm Thao, Bình Điền, phân bón miền Nam…

Đặc biệt là Nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động đã góp phần chấm dứt việc nhập khẩu urê hạt đục của nước ta lâu nay, đây cũng là tín hiệu vui đối với nông dân khu vực ĐBSCL.

Theo dự kiến, sản lượng urê trong nước sẽ vượt qua mức 3 triệu tấn vào năm 2015. Nhà máy đạm Hà Bắc đang triển khai dự án mở rộng đầu tư nâng công suất từ 200.000 tấn/năm hiện nay lên 500.000 tấn/năm vào năm 2015. Tập đoàn Công Thanh cũng đang tính toán đầu tư nhà máy sản xuất đạm từ than cám với công suất khoảng 560.000 tấn/năm tại xã Hải Yến (Tĩnh Gia - Thanh Hóa). "Thời gian tới, Việt Nam có thể hoàn toàn tự chủ nguồn phân urê và tiến tới xuất khẩu", ông Thúy nói.

Như vậy, trong vụ hè thu năm nay, nông dân có thể yên tâm về nguồn cung phân bón cũng như sự ổn định về giá phân bón trong nước. Năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu 2,1 triệu tấn phân bón từ Trung Quốc, trị giá 878,7 triệu USD.

Hiện, các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề về nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Chu Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà máy đạm Ninh Bình cho biết: "Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón qua đường tiểu ngạch khá phổ biến. Hàng không có hóa đơn hoặc khai hải quan giá nhập thấp, trốn thuế…, khiến thị trường phân bón xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp như chúng tôi rất bức xúc, chưa kể đến các vấn đề như: thất thoát thuế, khó kiểm soát chất lượng… Vì vậy, việc quản lý biên mậu cũng đòi hỏi sự vào cuộc hết sức sát sao của các ngành chức năng".

Bên cạnh đó, các cấp ngành liên quan cũng cần tính toán đến vấn đề giá. Không nói đến các nhà máy sản xuất phân đạm khác, trong 4 nhà máy lớn thì có 2 nhà máy sản xuất phân bón từ khí, 2 nhà máy sản xuất từ than, vì thế, cần phải có một mức giá hợp lý cho cả hai loại hình sản xuất để áp dụng chung trên cả nước.

"Khi Việt Nam xuất khẩu urê, DN sẽ có lợi thế cạnh tranh do giá thành rẻ hơn một số nước. Để tránh tình trạng xuất khẩu ồ ạt, chúng ta phải điều tiết bằng thuế và phải có cơ chế hạn chế đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Bài học kinh nghiệm gần đây nhất là từ Trung Quốc, nước này đã tăng thuế xuất khẩu lên rất cao: mức giá tham chiếu xuất khẩu urê từ 400 USD/tấn lên 470 USD/tấn rồi 480-490 USD/tấn (FOB), chưa kể những quy định khắt khe hơn trong tờ khai thuế quan nhằm bảo đảm nguồn cung phân bón và giá thành rẻ phục vụ cho nông dân trong nước. Ngành phân bón của Việt Nam nên học tập để đảm bảo quyền lợi cho nông dân", ông Thúy nói.

Nguồn: