Tính đến giữa tháng 7, xuất khẩu phân bón đạt 1.043.287 tấn, thu về 676,040 USD, so với cùng kỳ tăng 49,42% về lượng, tăng 2,76 lần về giá trị. Vào thấp điểm tiêu thụ như bây giờ, để giảm tồn kho doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, khả năng đến cuối tháng 8/2022 sẽ bằng năm 2021.
Tính đến nay, tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ là 25,2 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4 triệu tấn/năm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2022, xuất khẩu phân bón đạt 44.822 tấn, trị giá 29.345.990 USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 22,53% về lượng nhưng tăng đến 2,07 lần về kim ngạch do giá phân bón tăng mạnh.
Nửa đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón bằng cả năm 2021
Cả năm 2021, xuất khẩu phân bón chỉ đạt 1.353.133 tấn, trị giá hơn 559,352 USD thì 6,5 đầu năm 2022, xuất khẩu đạt 1.043.287 tấn phân bón các loại và đạt 676,040 triệu USD. So với cùng kỳ tăng 49,42% về lượng và tăng 2,76 lần về giá trị. Trong 6,5 tháng qua, dù lượng phân bón xuất khẩu chưa bằng năm 2021 nhưng về kim ngạch đã vượt qua.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, giá phân bón xuất khẩu đã tăng 97% so với 6 tháng đầu năm 2021, lên mức bình quân 648 USD/tấn. Riêng trong tháng 6 giá xuất khẩu phân bón đã nhích lên 679 USD/tấn.
Top 10 thị trường xuất khẩu phân bón, gồm: Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Myanmar, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, …
Theo đó, Campuchia là thị trường chủ lực chiếm 26,6% trong tổng khối lượng và chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 265.576 tấn, tương đương 146,55 triệu USD, giá trung bình 551,8 USD/tấn, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 48,5% kim ngạch và tăng 58,4% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng sau Campuchia là thị trường Hàn Quốc với 76.273 tấn, trị giá 57.011 triệu USD, tăng 418,93% về lượng và tăng 1.376,29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dù có mức tăng khủng nhưng thị trường này chỉ chiếm 7,64% về lượng và 8,82% về kim ngạch.
Thứ ba là Malaysia với lượng phân bón xuất khẩu đạt 84.156 tấn, trị giá 39.428.117 USD, so với cùng kỳ năm ngoái.
Kế đến là thị trường Lào đạt 36.566 tấn, tương đương 20,29 triệu USD, giá trung bình 554,9 USD/tấn, tăng 14,4% về lượng, tăng 63,8% kim ngạch và 43,3% về giá, chiếm trên 3,7% tổng khối lượng và chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc các doanh nghiệp phân bón tận dụng tốt cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khi giá cao đã giúp kết quả kinh doanh 6 tháng của nhiều công ty vượt kế hoạch.
Điển hình như Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) với doanh thu ước đạt 32.830 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2021, bằng 63% kế hoạch năm; lợi nhuận ước đạt 4.098 tỷ đồng, vượt qua mức lãi khoảng 3.500 tỷ đồng cả năm 2021.
Trong đó, doanh thu nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ước đạt 19.435 tỷ đồng, tăng 46% và chiếm gần 60% tổng doanh thu.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng công bố doanh thu 6 tháng ước đạt 4.464,8 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ và đạt 69,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất lũy kế 6 tháng của công ty ước đạt 181,9 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ nhưng đạt 91% kế hoạch năm.
Từ đầu năm 2022, giá phân bón đã tăng gần 30% sau khi tăng 80% trong năm 2021. Động lực cho xu hướng tăng giá này bao gồm yếu tố, như chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy của chuỗi cung ứng, các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và Nga.
Mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu phân bón bình quân 2,93 triệu tấn/năm
Trong 3 năm qua, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu phân bón bình quân 2,93 triệu tấn/năm. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu phân bón các loại chỉ đạt 831.361 tấn, trị giá hơn 268.039 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu phân bón các loại đạt 3.735.420 tấn, với 1,036 tỷ USD. Lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu gần 3 triệu tấn.
Năm 2020, là năm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu phân bón vẫn tăng 39,7% về lượng và tăng 27,1% về kim ngạch so với năm 2019, đạt 1.162.881 tấn, trị giá 340,563 triệu USD. Ở chiều nhập khẩu chỉ tăng 0,1% về lượng nhưng giảm 9,2% về kim ngạch, đạt 3.803.368 tấn, trị giá 951.529 triệu USD. Lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là hơn 2,6 triệu tấn.
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, xuất khẩu phân bón tăng 16,4% về lượng và tăng 64,2% về kim ngạch so với năm 2020, đạt 1.353.133 tấn, trị giá 559.353 triệu USD. Ở chiều nhập khẩu tăng 19,4% về lượng và tăng 52,6% về kim ngạch, đạt 4.542.073 tấn, trị giá 1,453 tỷ USD, so với cùng kỳ. Lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu là 3,189 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón nửa đầu tháng 7/2022 đạt 74.081 tấn, trị giá 30,455 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/7 nhập khẩu phân bón các loại đạt 1.851.232 tấn và 874,644 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước tăng 49,42% về lượng và tăng 19,17% về kim ngạch. 6,5 tháng đầu năm lượng phân bón nhập khẩu cao hơn xuất khẩu gần 808 ngàn tấn.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 47% tổng lượng và chiếm 40,7% tổng kim ngạch, đạt 838.158 tấn, tương đương 344,74 triệu USD, giá trung bình 411,3 USD/tấn, giảm 19,3% về lượng, nhưng tăng 22,7% về kim ngạch và tăng 52% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Nga đứng thứ 2, chiếm 8,4% tổng lượng và chiếm 11,5% tổng kim ngạch, với 149.365 tấn, tương đương 97,28 triệu USD, giá trung bình 651,3 USD/tấn, giảm 23% về lượng, nhưng tăng 56,3% về kim ngạch và tăng 103,3% về giá so với 6 tháng đầu năm 2021.
Với đà tăng nhập khẩu phân bón trong 6,5 tháng qua thì khả năng thu hẹp giữa xuất khẩu và nhập khẩu phân bón là khó có thể xảy ra.