Xuất khẩu phân bón sụt giảm mạnh, doanh nghiệp trong nước nỗ lực tìm thị trường mới

04:49 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Sáu, 2023

5 tháng, xuất khẩu phân bón giảm 42,2% về kim ngạch. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng năm 2023, cả nước xuất khẩu 692.259 tấn phân bón các loại, tương đương 289,07 triệu USD, giá trung bình 417,6 USD/tấn, giảm 8,9% về khối lượng, giảm 42,2% về kim ngạch và giảm 36,5% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, riêng tháng 5/2023 xuất khẩu 154.995 tấn phân bón các loại, đạt 56,9 triệu USD, giá 367,1 USD/tấn, tăng 17,5% về khối lượng, tăng 17,4% kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,1% về giá so với tháng 4/2023; So với tháng 5/2022 thì tăng 16,9% về lượng, nhưng giảm 35,2% kim ngạch và giảm 44,6% về giá.

Chỉ số xuất khẩu phân bón 5 tháng đầu năm 2023

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia. Riêng thị trường này đã chiếm 33% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 227.708 tấn, tương đương 95,47 triệu USD, giá trung bình 419,3 USD/tấn, tăng 8% về lượng nhưng giảm 19,2% kim ngạch và giá giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 5/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 76.236 tấn, tương đương 29,92 triệu USD, giá trung bình 392,5 USD/tấn, tăng 64,7% về lượng và tăng 65,4% kim ngạch, giá tăng nhẹ 0,4% so với tháng 4/2023.

Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Hàn Quốc đạt 47.838 tấn, tương đương 17,62 triệu USD, giá trung bình 368,3 USD/tấn, giảm 16,9% về lượng, giảm 62% kim ngạch và giảm 54,4% về giá, chiếm 6,9% trong tổng khối lượng và chiếm 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 45.552 tấn, tương đương 15,23 triệu USD, giá trung bình 334,3 USD/tấn, giảm mạnh 44,3% về lượng, giảm 59,8% kim ngạch và giá giảm 27,8%, chiếm 6,6% trong tổng khối lượng và chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 391.107 tấn, tương đương 162,64 triệu USD, giảm 16,2% về lượng, giảm 42,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 48.442 tấn, tương đương 16,61 triệu USD, giảm 47,9% về lượng, giảm 63,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 340.379 tấn, tương đương 143,63 triệu USD, giảm 14,5% về lượng, giảm 37,6% kim ngạch.

Một trong những đơn vị xuất khẩu phân bón lớn sang thị trường Campuchia là Công ty CP Phân bón Bình Điền. Tuy nhiên, 5 tháng năm 2023, Bình Điền ghi nhận xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm. Mới đây nhất, tại Đại hội cổ đông của Công ty diễn ra vào 28/4, trả lời câu hỏi của cổ đông về sản lượng tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu giảm, ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết xuất khẩu sang thị trường Campuchia có dấu hiệu bất thường khi giảm đến 3.000 tấn. Ông Đông cho rằng rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc tràn sang Campuchia đầu tư và bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra sản xuất nông sản. Đây là thách thức rất lớn không chỉ đối với Bình Điền mà cả với các nhà sản xuất phân bón Việt Nam ở thị trường xuất khẩu truyền thống này.

Thị trường xuất khẩu khó khăn và sụt giảm nên Bình Điền cũng như một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã tìm hướng mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác. Mới đây nhất, ngày 12/5, phân bón Bình Điền đã ký kết với Tập đoàn Phongsavanh (Lào) bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với mục tiêu chuyển giao các kiến thức canh tác nông nghiệp tiên tiến và các sản phẩm phân bón đến nước Lào. Bên cạnh đó, Tập đoàn Phongsavanh sẽ là nhà phân phối độc quyền của phân bón Đầu Trâu tại đất nước Lào trong thời gian tới.

Lãnh đạo Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trong chuyến thăm và làm việc cùng Công ty Chembridge Resources (Cao Hùng, Đài Loan - Trung Quốc)

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón sang Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài thị trường truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Campuchia, Lào, Supe Lâm Thao đã chinh phục được thêm một thị trường khó tính, đó là Đài Loan (Trung Quốc), nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.

Ngoài ra, Supe Lâm Thao đã có chương trình thăm và làm việc với Công ty Chembridge Resources (Cao Hùng, Đài Loan - Trung Quốc). Tại đây, Công ty Chembridge Resources đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được đặt những đơn hàng lớn về sản phẩm phân bón Lâm Thao, nhất là các sản phẩm phân bón mới của Lâm Thao để phát triển một nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, nâng tầm giá trị nông sản tại Đài Loan.