Xung đột Nga - Ucraina lay chuyển chuỗi cung ứng nhiên liệu và nguyên liệu trên toàn cầu

10:41 SA @ Thứ Ba - 24 Tháng Năm, 2022

Khi quân đội Nga bắt đầu tấn công Ucraina tháng 2/2022, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Ucraina đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc phải ngừng lại. Bản thân nước Nga đã phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế từ phía Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây, các công ty có quan hệ làm ăn với Nga đang phải xem xét lại những chiến lược kinh doanh của mình.

Cổ phiếu của Gazprom, Công ty cung cấp khí đốt với 50,1% vốn thuộc sở hữu nhà nước Nga, đã lao dốc 50% vào ngày 28/2, khi Công ty dầu mỏ Shell của Mỹ cho biết sẽ rút khỏi liên doanh với Gazprom. Đồng thời, Tập đoàn BP của Anh cam kết thoái hết 20% cổ phần trong Công ty dầu mỏ Rosneff với phần lớn vốn cũng thuộc sở hữu nhà nước Nga.

Trong khi đó, Ủy ban châu âu quyết định sẽ xúc tiến kế hoạch giảm sự phụ thuộc của EU vào nguồn năng lượng từ Nga. Chiến lược sắp tới của EU là đến năm 2030 sẽ giảm 40% lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiếp tục tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nguồn cung dầu mỏ 

Các công ty phương Tây hoạt động tại Nga đang phải chịu nhiều áp lực từ các biện pháp trừng phạt và dư luận xã hội. Công ty Wintershall Dea của Đức (do Tập đoàn hóa chất BASF sở hữu cổ phần đa số), đang tham gia vào 3 dự án khí thiên nhiên tại Nga và dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí thiên nhiên đến châu âu. Sau khi cuộc chiến Nga-Ucraina nổ ra, Công ty Wintershall Dea tuyên bố sẽ không tiếp tục thực hiện bất cứ dự án sản xuất dầu khí nào tại Nga, đồng thời hủy bỏ kế hoạch góp vốn 1 tỉ Euro trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2, dự án với tổng vốn đầu tư 11 tỷ USD này hiện đã bị đình chỉ.

Trong khi giá dầu mỏ giữ ở mức 107$/thùng vào đầu tháng 3, các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA đồng ý sẽ xả 60 triệu thùng dầu từ kho dầu dự trữ khẩn cấp, tương đương 2 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 30 ngày. Nga hiện xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày, tương ứng 12% thương mại toàn cầu.

Nguồn cung khí trơ  

Ukraina là quốc gia cung ứng khí trơ lớn nhất thế giới. Các loại khí trơ như Neon, Krypton, Xenon đều là sản phẩm phụ của các nhà máy tách không khí cung cấp Oxy cho các cơ sở luyện thép công suất lớn. Cả 3 loại khí trơ này đều rất quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là chip điện tử chất lượng cao, ví dụ 90% nguồn cung khí Neon được sử dụng trong thiết bị khắc mòn bằng tia Laze. Sản lượng khí Neon toàn cầu đạt khoảng 600-700 triệu lít, trong đó 200 triệu lít được sản xuất ở Mỹ, 100 triệu lít ở châu Âu.     

Trong năm 2021, nguồn cung khí trơ đã trở nên eo hẹp do Trung Quốc đóng cửa các nhà máy thép để giảm ô nhiễm trong thời gian Thế vận hội mùa đông và giảm nhu cầu quặng sắt từ Ôxtrâylia. 6 tháng trước khi chiến tranh Nga-Ucraina nổ ra, giá khí neon đã tăng gấp ba.  

Vì là sản phẩm phụ của sản xuất thép nên việc xây dựng công suất sản xuất các khí trơ Neon, Krypton, Xenon rất khó khăn. Hơn nữa, nhu cầu thép đã giảm trong thời gian dịch COVID-19. Sự dao động giá của các loại khí trơ khiến cho các nhà đầu tư cá nhân không muốn mạo hiểm đầu tư vào sản xuất. Chỉ duy nhất Trung Quốc đã mở rộng công suất đáng kể trong 10 năm qua do muốn trở thành tự cung tự cấp đối với các loại khí quan trọng này.

Sau khi cuộc xung đột quân sự giữa 2 nước diễn ra, Nga và Ucraina chỉ sản xuất khoảng 100 triệu lít Neon, giảm một nửa so với trước. Một vấn đề khác là hai nhà máy tinh chế quan trọng đối với các sản phẩm khí trơ của Nga và Ucraina đều nằm trong vùng Odesa đang xảy ra chiến sự, vì vậy việc vận chuyển các sản phẩm này là gần như bất khả thi.  

Trong vài tuần qua, giá Krypton đã tăng mạnh từ vài cent lên 4-5 USD/lít. Mọi yếu tố đều báo hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đối với cả 3 loại khí trơ. 

Nguồn cung kim loại 

Nga là nước xuất khẩu hàng đầu đối với Platin và Palađi, những kim loại quan trọng dùng trong các bộ xúc tác xử lý khí thải xe ôtô và nhiều ứng dụng khác. Do Nga chiếm 12% sản lượng Platin và 40% sản lượng Palađi toàn cầu nên rủi ro đứt gãy nguồn cung đã trở nên rất lớn. Đồng thời, giá khí thiên nhiên cao và nguồn cung eo hẹp có thể ảnh hưởng đến các nhà máy nấu chảy kim loại, làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp.

Nga chiếm khoảng 14% sản lượng nhôm toàn cầu, trong đó Công ty Rusal là nhà sản xuất hàng đầu thế giới (không kể Trung Quốc), chiếm 6% nguồn cung nhôm toàn cầu. Giá nhôm đã giảm xuống 1.500 USD/tấn vào tháng 4/2020, nhưng sau đó đã tăng dựng đứng. Sau khi Nga tấn công Ucraina, giá nhôm đã tăng lên mức cao kỷ lục - trên 3.400 USD/tấn.

Trong báo cáo năm 2020 về các nguyên liệu quan trọng, Ủy ban châu Âu cho biết Nga chiếm 22% sản lượng Titan trên thế giới, 20% nguồn cung quặng Phốtphat cho EU, 26% sản lượng Scanđi và 19% sản lượng Vanađi toàn cầu. Nga cũng cung ứng 10% Niken, 4% Coban và hơn 3% Đồng cho thế giới, tuy đóng vai trò ít quan trọng hơn đối với các kim loại này.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Ukraina có khả năng sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới đối với quặng Mangan, quặng Titan và bọt xốp Titan. Một báo cáo khác về nước Nga cho biết quốc gia này đứng vị trí hàng đầu về sản xuất nhiều kim loại và khoáng chất công nghiệp. 

Chiến tranh Nga-Ucraina đã bắt đầu ảnh hưởng đến một số dây chuyền cung ứng công nghiệp trên thế giới. Công ty sản xuất xe ôtô Volkswagen (Đức) đã phản ứng với cuộc chiến tranh này bằng cách tạm thời đóng cửa hai nhà máy ở Đức trong vài ngày. Trước đó, một số công ty cung ứng từ Ukraina đã cung cấp dây điện cho các nhà sản xuất xe ôtô ở khắp châu Âu. Ba công ty vận tải lớn nhất thế giới là Maersk, MSC Mediterrannean và CMA CGM cũng đã tạm thời dừng vận chuyển hàng đến và đi từ nước Nga.   

Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 9 (4/2022)