Âm thầm tăng giá than lên 20 - 40%

08:53 SA @ Thứ Tư - 06 Tháng Tư, 2011
Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản - Vinacomin cho biết, Tập đoàn này đã đệ trình Bộ Tài chính về phương án tăng giá than bước 1 lên 20 - 40%, tùy từng loại than và đã được Bộ Tài chính chấp thuận tăng giá từ ngày 1/4.

Đợt tăng giá bán than lần này của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản - Vinacomin (Vinacomin) khá lặng lẽ và bất ngờ. Khác với những đợt tăng giá than trước đây thường được giới truyền thông đưa tin rầm rộ.

Đại diện Vinacomin giải thích cho sự tăng giá bất ngờ này là hiện nay do giá cả đầu vào tăng cao, (xăng dầu tăng 2 lần khoảng 40%), tỷ giá tăng 9,3%, lãi vay tăng cao, thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 15%,... Chỉ tính 5 yếu tố xăng dầu, sắt thép chống lò, tỷ giá, lãi vay thì đã làm tăng giá thành than khoảng 3500 tỷ đồng, thuế xuất khẩu làm tăng 1300 tỷ đồng. Vì vậy, nếu giá than không được điều chỉnh thì tình hình tài chính của Vinacomin sẽ gặp khó khăn. Trong khi giá than bán cho điện mới bằng khoảng 60% giá thành thì lần này chỉ được tăng 5%.

Đại diện Vinacomin cho biết, giá than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón được thực hiện theo giá thị trường than trong nước (trừ than bán cho điện) thấp hơn giá xuất khẩu tối đa là 10%. Trong khi đó, giá than ở thị trường trong nước trước 31/3/2011 chỉ bằng khoảng 60% giá than xuất khẩu, giá than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón bằng khoảng 50%. Sở dĩ giá than trong nước thấp hơn nhiều so với giá than xuất khẩu là do trong năm 2010 nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát cho nên giá than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón đã không được điều chỉnh.

Trước khi tăng giá than, Vinacomin đã đệ trình lên Bộ Tài chính về phương án tăng giá than bước 1 điều chỉnh tăng từ 20-40%, tùy từng loại than và đã được Bộ Tài chính chấp thuận từ ngày 1/4/2011.

TheoVinacomin để cân đối vốn đầu tư cho sản xuất than khoảng 15 ngàn tỷ đồng/năm thì Vinacomin phải có vốn đối ứng 3000 tỷ đồng/năm, tương đương phải có lợi nhuận khoảng 6000 tỷ đồng/năm. Nhưng kế hoạch cân đối đầu năm thì lợi nhuận sản xuất than năm 2011 chỉ khoảng 3500 tỷ đồng. Như vậy chưa đủ để Tập đoàn có vốn đối ứng để đầu tư phát triển

Còn nếu xét về lợi nhuận trên vốn kinh doanh thì ít nhất phải đảm bảo cao hơn lãi suất ngân hàng, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa đạt (Lợi nhuận trên doanh thu sau khi tăng giá than khoảng 9% (4500/52000 tỷ đồng), trong khi lãi suất ngân hàng 17-18%/năm).

Trả lời câu hỏi của phóng viên: trong tình hình kiềm chế lạm phát việc tăng giá than như vậy liệu có phù hợp với chủ trương kiềm chế lạm phát không ?

Đại diện Tập đoàn này cho hay, việc tăng giá bán than trước tiên xuất phát từ việc do giá cả đầu vào tăng cao (mà lần này là tăng rất cao), thì tất yếu để tồn tại và phát triển, các mặt hàng sử dụng các yếu tố đầu vào tăng lớn như xăng dầu, điện, lãi vay, tỷ giá,..bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp chi phí đầu vào, mặc dù đã có nhiều giải pháp công nghệ, quản lý và phải tiết kiệm tối đa các khoản chi phí.

Nếu đúng ra theo cơ chế thị trường để đảm bảo hàng hoá lưu thông bình thường, tránh trường hợp mua than với giá rẻ trong nước rồi đem đi xuất khẩu kiếm lời thì giá than phải được điều chỉnh đủ theo tinh thần thông báo của Văn phòng Chính phủ. Đợt tăng giá lần này Vinacomin đã tính toán không để làm tăng đột biến, góp phần kiềm chế lạm phát. Do đó Tập đoàn đã đề nghị giá than mới tăng ở bước 1 là 20-40%.

Có ý kiến cho rằng giá thành than hiện nay cao là do Vinacomin khai thác độc quyền?

Đại diện Tập đoàn này cho rằng, sở dĩ việc giá than tăng như vậy là phụ thuộc giá của rất nhiều các sản phẩm, nhân công lao động... cung cấp cho ngành khai thác than tăng cao. Năm 2010, sau khi loại trừ yếu tố khách quan, bao gồm: hệ số đất, cung độ vận chuyển đất tiếp tục tăng cao,... ; Giá cả đầu vào tăng cao nhiều lần thì thực chất giá thành cũng giảm khoảng -2% so với năm 2009. Và giá thành than năm 2009, giảm 17,3% so với năm 2005, bình quân giảm 3,4%/năm.

Nguồn: