"/>
Không nhà xưởng, không nhân viên, không đội ngũ kỹ thuật nhưng các doanh nghiệp (DN) phân bón "ba không" vẫn đua nhau ra đời.
Nhận định về thị trường phân bón hiện nay, ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón, kiêm Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền than trời: "Hiện nay thị trường phân bón rất bát nháo, nhà nhà đều làm phân bón!".
Lý do là phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên nhiều cơ sở đã tranh thủ việc buông lỏng quản lý này để gia nhập thị trường. Mô hình chung của các DN này là lập ra công ty nhưng không có nhà máy, không nhân viên, không kỹ thuật mà chỉ đặt hàng gia công của các công ty khác rồi về phân phối cho đại lý.
Bên cạnh đó do Nghị định 113 và 119 chưa hoàn thiện, công tác quản lý vẫn chia làm hai cơ quan là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dẫn đến không có bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Tất nhiên, trong tình trạng bát nháo này, đa phần sản phẩm ngoài thị trường đều rất kém chất lượng.
Theo tìm hiểu của DNSG, đầu tư một nhà máy sản xuất phân bón khoảng vài chục tỷ đồng. Vì vậy, thay vì bỏ chi phí đầu tư, một số DN đã chọn cách thuê gia công bên ngoài. Trong khoảng 100 công ty sản xuất phân bón hiện nay tại TP.HCM, có đến 40 công ty đặt gia công.
Song, điều đáng nói là một công ty sản xuất phân bón có thể nhận gia công cho hơn chục công ty khác nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Thực tế, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương đã xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng với số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá phân bón kém chất lượng thường chênh lệch với phân bón sản xuất đúng chuẩn khoảng 2 triệu đồng/tấn. Chẳng hạn, một bao phân NPK 20-20-15 loại 50 kg loại kém chất lượng sẽ bán rẻ hơn 100.000 đồng so với cùng loại.
Với khoản lợi nhuận khá cao, lại không bị ràng buộc về nhà xưởng, chi phí đầu tư nên việc các DN đổ xô vào việc tìm lợi nhuận ở mặt hàng phân bón là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, do chỉ đặt gia công để thương mại kiếm lợi nhuận, không mất chi phí đầu tư nên các công ty "ba không" này không có trách nhiệm với sản phẩm, khi bị phát hiện hoặc bán không chạy, họ sẵn sàng bỏ của chạy lấy người, hoặc sau đó thay đổi tên công ty, làm nhãn hiệu mới.
Vì vậy, các DN sản xuất phân bón chân chính đang nóng lòng mong quy định của Thông tư 36/2010 sớm sửa đổi và việc phân cấp quản lý cụ thể hơn.
Theo ông Phong, bị ảnh hưởng bởi phân bón giá rẻ, những năm qua, sản lượng phân bón của Bình Điền cũng bị giảm tiêu thụ khoảng 10% và các DN khác có thể từ 20 - 50%.
Trong khi đó, ông Huỳnh Nghĩa, Giám đốc Công ty Phân bón Hóa Sinh, cho biết thêm: "Thời gian qua, dù đã cải tiến công nghệ, tiết kiệm chi phí tối đa nhưng sản lượng phân bón của chúng tôi vẫn bị sụt giảm khoảng 60%.
Lý do là phân bón của mình sản xuất đúng chuẩn nên giá bán luôn cao hơn sản phẩm kém chất lượng. Nhà máy phân bón Hoá Sinh chỉ đầu tư 3 ống sấy, 2 ống nguội đã trên 30 tỷ đồng, chưa nói đến chi phí đầu tư nhà xưởng, máy nghiền, tạo hạt...
Theo hai nhà sản xuất này, điều đáng lo nhất là người nông dân hiện nay đang bị rơi vào mê hồn trận của sản phẩm thật giả lẫn lộn. "Có những vườn cây, đồng ruộng đã bị thiệt hại vì phân bón giả chỉ biết than trời ", ông Nghĩa cho biết.