"/>"/>

Cải thiện hệ thống phân phối, điều tiết cung - cầu phân bón

08:54 SA @ Thứ Sáu - 20 Tháng Chín, 2013

Cục diện thị trường phân bón, nhất là phân đạm trong nước từ năm 2013 có thay đổi khá lớn đòi hỏi sự điều chỉnh trong chính sách quản lý nhà nước lẫn chiến lược kinh doanh từ các doanh nghiệp.

Trước năm 2012, cả nước chỉ có hai đơn vị sản xuất phân đạm u-rê gồm Ðạm Hà Bắc công suất 190 nghìn tấn/năm chủ yếu cung ứng cho các tỉnh phía bắc và Nhà máy Ðạm Phú Mỹ công suất 800 nghìn tấn/năm chủ yếu cung ứng cho các tỉnh miền trung và miền nam. So với nhu cầu cả nước khoảng hai triệu tấn/năm, phần lớn nguồn cung phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Nga, và các nước Trung Ðông... Do đó, cơ chế điều tiết cung cầu phân bón thời kỳ này vẫn ưu tiên, tạo điều kiện cho nhập khẩu thông qua các chính sách ưu đãi về ngoại tệ, tạo thuận lợi cho nhập khẩu tiểu ngạch...

Từ cuối năm 2012, nguồn cung u-rê trong nước đã dư thừa với sự tham gia của hai nhà máy mới là Ðạm Ninh Bình công suất 560 nghìn tấn/năm tại phía bắc và Nhà máy Ðạm Cà Mau công suất 800 nghìn tấn/năm tại phía nam. Bối cảnh dư cung, cạnh tranh mạnh mẽ này đang đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong chính sách quản lý lẫn chiến lược cạnh tranh từ các doanh nghiệp.

Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền tại Hội nghị về quản lý thị trường phân bón tổ chức đầu tháng 9 vừa qua tại Cần Thơ cho biết, khi sản xuất u-rê trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu, chính sách quản lý nhà nước đối với thị trường này trong thời gian tới cần tập trung vào các chính sách khuyến khích phát triển bền vững hệ thống phân phối trong nước và điều tiết cung cầu để xuất khẩu một cách hiệu quả, hợp lý.

Về hệ thống phân phối, đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của hệ thống phân phối để bảo đảm mặt hàng phân bón được lưu thông thông suốt từ khâu sản xuất, nhập khẩu tới người nông dân, tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống và hạn chế các bất hợp lý trong khâu lưu thông.

Về chính sách điều tiết, Nhà nước nên ban hành chính sách điều tiết cung cầu phân bón trên thị trường thông qua cơ chế dự trữ lưu thông, nhằm hạn chế sử dụng những mệnh lệnh hành chính mang tính phi thị trường trong công tác điều hành phân bón. Ông Võ Văn Quyền cho biết, hiện tại, chỉ có mặt hàng u-rê và NPK thuộc danh mục bình ổn giá nên việc dự trữ lưu thông, điều tiết cân đối cung cầu thời gian tới sẽ tập trung vào hai mặt hàng này.

Thực tế cho thấy, hệ thống phân phối đang đóng một vai trò kết nối rất quan trọng giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và người nông dân. Trên thế giới, rất ít có doanh nghiệp nào vừa tự sản xuất vừa tự bán hàng tới tận tay người tiêu dùng mà không thông qua hệ thống phân phối của thị trường vì không đủ nguồn lực và nhân sự. Ðối với mặt hàng phân bón, thị trường đang vận hành thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng rộng khắp cả nước. Hệ thống này được xây dựng nhiều năm qua, cung cấp hàng hóa phong phú và đa dạng cho nông dân, chấp nhận bán trả chậm, trả sau không thế chấp và được tính các chi phí hợp lý như lãi ngân hàng, trượt giá, chi phí lưu kho... vào giá bán. Nếu không có hệ thống này, nông dân khó duy trì sản xuất một cách trôi chảy, hiệu quả, nhất là đối với loại hình sản xuất có tính thời vụ cao như nông nghiệp. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là "luật hóa", "chuẩn hóa" hệ thống này, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực của xã hội cũng như giảm các mặt hạn chế của nó.

Bên cạnh đó, để tăng năng lực cạnh tranh, một số nhà sản xuất phân bón lớn hiện nay đã sử dụng hệ thống phân phối của riêng mình như là bàn tay nối dài của nhà sản xuất, nhằm mục đích hỗ trợ cho hệ thống đại lý của họ ở các địa phương. Ðại diện của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, nhà sản xuất Ðạm Phú Mỹ, một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng hệ thống phân phối bền vững cho rằng, cách làm này đã mang lại lợi ích cho cả nông dân, đại lý và nhà sản xuất vì việc quản lý giá bán hàng, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ bán hàng trong hệ thống trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Nhà sản xuất chủ động được luồng hàng, biết được hàng của mình đi đâu để điều chỉnh khi cần, bán hàng tới điểm có nhu cầu, vừa có giá hợp lý, vừa kiểm soát được chất lượng hàng. Với đại lý, cửa hàng thì có nguồn hàng ổn định, giảm áp lực về vốn do tồn kho, vận chuyển. Họ còn được hỗ trợ về kỹ thuật thông qua hướng dẫn trực tiếp, hội thảo, mô hình... Còn nông dân thì dễ dàng nhận biết điểm bán hàng tin cậy, mua được hàng hóa có xuất xứ, chất lượng rõ ràng, dễ dàng khiếu nại khi gặp sự cố.

Có một thực tế là người nông dân thường cân nhắc mua loại phân bón giá rẻ để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên giá rẻ thường đi đôi với chất lượng, số lượng không bảo đảm. Những nhà sản xuất lớn thường thông qua hệ thống, phân phối, đại lý của mình để cung cấp cả gói sản phẩm - dịch vụ kỹ thuật - hướng dẫn sử dụng. Như vậy, mặc dù giá bán của các sản phẩm phân bón của họ có thể cao hơn về giá trị tuyệt đối nhưng nhờ được hướng dẫn cách sử dụng hợp lý, chất lượng bảo đảm nên thực tế chỉ cần sử dụng một lượng vừa đủ mà cây trồng vẫn cho sản lượng cao hơn các sản phẩm chất lượng thấp và sử dụng không hợp lý, mặc dù giá rẻ hơn.

Nguồn: