"/>
Từ 10/10 tới, việc chậm nộp có thể bị phạt tối đa là 75 triệu đồng, thay vì mức 30 triệu đồng như hiện nay.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, với những hành vi chậm đóng hoặc nộp không đúng quy định đối với bảo hiểm xã hội và thất nghiệp... thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức 12-15% tổng số tiền phải đóng. Tuy nhiên, mức tối đa sẽ không quá 75 triệu đồng.
Việc không đóng cho toàn bộ người lao động bị phạt từ 18-20% tổng số tiền phải nộp, mức tối đa cũng không quá 75 triệu đồng. Trước đó, theo quy định hiện hành, mức phạt tối đa là 30 triệu đồng.
Các hành vi trên sẽ bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng. Đồng thời người sử dụng lao động phải chịu lãi phạt tính trên số tiền bảo hiểm chậm đóng theo lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.
Cũng theo Nghị định, bên sử dụng lao động trả lương không đúng hạn hoặc thấp hơn mức quy định tại thang bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý Nhà nước sẽ bị phạt tối đa 50 triệu đồng. Nếu người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định có thể bị phạt tới 75 triệu đồng, tùy mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Nghị định cũng nêu rõ, nếu là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Về hoạt động xuất khẩu lao động, văn bản cũng quy định hành vi người xuất khẩu lao động ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.... sẽ bị phạt tiền 80 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm.