Giá phân bón bấp bênh
Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2011, bên cạnh việc sản lượng các loại phân bón tăng thì giá cả loại mặt hàng này cũng tăng đáng kể. Cụ thể, phân urê tăng 18,3%; phân lân 2,6%; phân NPK 37,9%; phân bón DAP 66,3%.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong việc bình ổn giá phân bón, thị trường phân bón thời gian nửa đầu tháng 7/2011 có xu hướng giảm về cả lượng và giá. Lượng hàng tiêu thụ trên thị trường trong nước hiện đang trầm lắng. Giá phân bón tại một số địa phương giảm nhẹ.
Cụ thể, tại Lào Cai, giá các loại phân bón nhìn chung duy trì ở mức khá ổn định. Lượng hàng tiêu thụ chậm hẳn so với 15 ngày cuối tháng 6 do tâm lý chờ đợi giảm thuế từ phía Trung Quốc và chờ diễn biến giá của thị trường trong nước.
Tại Thái Bình, hiện đã thu hoạch xong lúa chiêm xuân và đang khẩn trương gieo cấy lúa vụ mùa tại một số huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy đã gieo cấy được 50% diện tích. Phân bón sử dụng chủ yêu là Lân và NPK tương đối dồi dào. Giá các loại phân bón nhìn chung ở mức ổn định tuy nhiên giá Urea có một số biến động khá lớn khiến sức mua giảm. Giá một số mặt hàng cụ thể như sau: Urea có giá 9.050 đ/kg, Lân Lâm Thao là 2.840 đ/kg Lân Lào Cai, 2.800 đ/kg, Lân Ninh Bình.
Tại Hải Phòng, hiện nay tại miền Bắc đang trong thời kỳ chuẩn bị vào vụ lúa Hè Thu nên nhu cầu về phân bón có chiều hướng tăng. Mặt khác do ảnh hưởng của xuất khẩu, giá urea lại bắt đầu nhích lên ở mức 10.000 tấn. Dự kiến trong thời gian tới giá urea sẽ có đợt tăng mạnh.
Nhìn chung, thị trường thời điểm này sức mua yếu, chưa có dấu hiệu gì đột biến. Thị trường phân bón trong nước thời gian vừa qua chứng kiến sự lên xuống khá mạnh từ giá Urea. Nguyên nhân chủ yếu do giá thế giới tăng kết hợp với sự khan hàng tại thị trường miền Trung, Nam đẩy giá lên khá cao. Thời gian tới, giá các loại phân bón nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng nhẹ do giá trên thị trường thế giới có dấu hiệu đổi chiều. Vụ Hè – Thu đang đến gần sẽ có nhu cầu nhiều về phân bón, giá cả sẽ có khả năng tăng cao.
Đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường
Trước thực tế, giá cả phân bón được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cân đối cung- cầu thì mới có thể kìm chế đà tăng giá. Theo đồng chí Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, để chủ động hơn trong việc kiểm soát biến động của giá cả bán lẻ phân bón trên thị trường và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung cầu hàng hóa sẽ trở nên tối ưu hơn những biện pháp khác.
Cụ thể, ngành nông nghiệp cần chủ động nguồn phân bón dự trữ để cung ứng cho thị trường mỗi khi có biến động lớn như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh làm chết cây trồng, nhằm hạn chế những biến động về giá do ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu.
Còn theo đồng chí Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bình ổn giá phân bón nghĩa là mọi nông dân đều có khả năng tiếp cận và mua được đúng loại phân bón mình cần và có thể mua ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Vì thế, phải hệ thống phân phối phân phối đến tận làng, xã thì mới có thể bình ổn được giá phân bón.
Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia cho rằng, cần phải có kho dự trữ phân bón. Theo đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, muốn bình ổn được giá phân bón thì phải có kho dự trữ tại các tỉnh thành. Ngoài ra, phải xem ngành sản xuất, kinh doanh phân bón là ngành có điều kiện, trong đó, những đại lý cấp 1, đại lý độc quyền cho các công ty sản xuất phân bón phải có kho dự trữ phân bón đủ lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu của từng khu vực kinh doanh, nhất là những lúc vào mùa vụ chính.
Trước thực tế giá cả phân bón lên, xuống thất thường, ngày 20/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Tổng Công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) nghiêm túc thực hiện công tác bình ổn giá phân bón, duy trì mức dự trữ theo quy định của Chính phủ, để can thiệp kịp thời khi thị trường có biến động.
Đồng thời, PVN phải chỉ đạo Tổng Công ty phân bón và Hóa chất dầu khí rà soát hệ thống phân phối, đảm bảo cung cấp sản phẩm đến tay người nông dân; có biện pháp tiết kiệm chi phí đầu vào để giảm giá bán sản phẩm; có kế hoạch nhập khẩu phân bón phù hợp, để cân đối cung - cầu góp phần bình ổn giá.
Mong rằng với những giải pháp thiết thực, trong thời gian tới, giá phân bón tại thị trường trong nước sẽ ổn định hơn./.