Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón

03:15 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Sáu, 2024

Đề xuất áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính đang nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, các chuyên gia.

Doanh nghiệp trong nước và người dân gặp khó

Nhằm mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, phân bón đang từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1.1.2015.

Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế GTGT hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế và cần được xem xét, đánh giá lại nhằm giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Lý giải việc này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, TS. Phùng Hà nhận định: Do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí GTGT đã chi ra trong quá trình sản xuất. Điều này, buộc các doanh nghiệp phải cộng các chi phí trên vào giá thành sản phẩm. Theo đó, toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT như đầu tư nhà xưởng, máy móc, điện, nguyên vật liệu... đều được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.

Theo đó, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua. Bên cạnh đó, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn...

Theo thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho thấy, mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của tập đoàn không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng và lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (từ 2015 đến hết năm 2023).

Còn với Tập đoàn Dầu khí, con số này mỗi năm lên tới 3.350 tỷ đồng, trong đó: Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Đồng ý với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ mà nền nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5 - 8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chỉ phí sản xuất.

Nguy cơ thua ngay trên "sân nhà"

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam (nhất là urê) đã tăng khoảng 3 - 5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa.

PGS.TS Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài, các nước này phần lớn đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT (Trung Quốc: 9%; Nhật Bản: 10%...), khi xuất khẩu phân bón vào Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu này được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Đồng thời, mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, thậm chí các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước lao đao vì sức ép cạnh tranh...

Trong khi đó, với chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt đang thua ngay trên "sân nhà" vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cần sớm sửa đổi quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân, TS. Phùng Hà nhấn mạnh.