"/>"/>

Điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường

08:48 SA @ Thứ Sáu - 29 Tháng Sáu, 2012

Thời gian tới có tăng giá điện hay không? nếu có thì tăng như thế nào?... là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 - Những vấn đề cần tháo gỡ” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (28/7).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, vấn đề điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ định hướng với nhiều văn bản, Nghị quyết thời gian vừa qua.

Cụ thể, tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: Khi các thông số đầu vào cơ bản thay đổi như giá than, xăng, tỷ giá, cơ cấu nguồn phát thay đổi như do hạn hán… thì được điều chỉnh giá điện, nếu điều chỉnh ở mức 5% thì EVN có quyền đề xuất và điều chỉnh, còn trên 5% thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Vượng, mục tiêu của việc phát triển thị trường điện là đưa giá điện tiệm cận với giá thị trường trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời, đảm bảo giá điện bán ra phải không thấp hơn giá thành để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và có lợi nhuận hợp lý. Nếu vẫn tiếp tục áp giá điện dưới giá thành như hiện nay thì doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện lực sẽ còn tiếp tục bị lỗ. Nước ta còn nghèo và nhà nước không thể cứ bù lỗ hỗ trợ cho ngành điện mãi được.

Trả lời về những băn khoăn của độc giả về việc hiện nay người tiêu dùng bị thiệt thòi do hoạt động của ngành điện không công khai rõ ràng, hạch toán lỗ lãi chưa minh bạch, Thứ trưởng Vượng khẳng định, trong cơ chế và bối cảnh hiện nay, người dân có thể nghi ngờ về sự minh bạch của việc hạch toán cũng như của giá điện. Tuy nhiên, hàng năm các báo cáo của EVN đều được kiểm toán nhà nước hoặc là các tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, kiểm tra, đánh giá.

Mặt khác, Chính phủ cũng quy định rõ, việc điều chỉnh giá điện phải dựa trên cơ sở những số liệu kiểm toán và kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN chứ không phải tùy tiện điều chỉnh.

Ông Phan Ngọc Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cũng khẳng định, trước khi có những động thái điều chỉnh giá điện thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều phải kiểm soát lại các báo cáo tài chính và đánh giá được những nguyên nhân tăng khách quan, chủ quan để quyết định việc tăng giá trong từng thời điểm nhất định.

Theo ông Quang, trong một số trường hợp, kể cả đã xác định được những nhân tố đầu vào làm tăng giá điện nhưng nếu các chỉ số chung của nền kinh tế chưa cho phép thì cũng không thể cho phép EVN tăng giá điện.

Về việc đảm bảo tính hợp lý, minh bạch của giá điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong thời gian tới, khi Quốc hội phê duyệt Luật sửa đổi một số điều của Luật Điện lực hiện nay, với việc hình thành và phát triển các cấp độ của thị trường điện lực, cùng với nó là việc tái cơ cấu ngành điện sẽ tạo cơ hội cho nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư vào ngành điện. Bên cạnh đó là tính minh bạch ngày càng được nâng cao, chất lượng dịch vụ được cải thiện, hiệu quả, năng suất lao động của ngành điện cũng được tăng lên, chắc chắn giá điện sẽ ở mức mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Trả lời báo chí bên lề buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, trong tương lai gần, chưa thể kỳ vọng giá điện sẽ giảm ngay. Lý do là giá điện hiện tại chưa theo kịp giá thị trường. Hơn nữa, Quy hoạch điện VII chủ trương phát triển nhiệt điện than chiếm tới 60% toàn hệ thống do nguồn thủy điện đã hết khả năng khai thác. Trong khi đó, lượng than trong nước ngày càng cạn kiệt, nhập khẩu than ngày càng khó, giá than cho điện sẽ ngày càng tăng nên giá điện sẽ phải tăng theo cơ chế thị trường.

Nguồn: