Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ khiến ngành phân bón của Nga gặp nguy, song lại mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất khác, điển hình như Việt Nam. Doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đang chớp lấy thời cơ, kim ngạch xuất khẩu tháng 1 tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu phân bón
Căng thẳng giữa Nga - Ukraine không tác động quá lớn đến nền kinh tế Việt Nam bởi giao thương giữa Việt Nam với hai nước này chỉ chiếm 1,2 % tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021.
Riêng với mặt hàng phân bón, giới phân tích cho rằng dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ - EU và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng ngành phân bón, đẩy giá mặt hàng này leo thang trong năm 2022.
Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này không thể chuyển tiền ra hoặc nhận tiền từ nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng trong đó có phân bón của Nga.
"Thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung phân bón nặng nề cho đến khi căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt. Bởi Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu ure và nitơ hàng đầu thế giới.
Nhìn về mặt tích cực, việc gián đoạn nguồn cung ure từ Nga đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như Phân bón Cà Mau, Đạm Phú Mỹ...", ông Hà nói.
Sở dĩ, đại diện FAV cho rằng đây là cơ hội với doanh nghiệp Việt bởi theo công suất thiết kế thì 4 nhà máy sản xuất phân ure của Việt Nam (2 nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 2 nhà máy của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) có khả năng sản xuất hơn 2,6 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Do đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt được xu thế, điều này được thể hiện trong kết quả xuất khẩu tháng 1.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón tăng trưởng đột biến với 226 nghìn tấn, tương đương 171 triệu USD, tăng 78% về lượng và tăng 4,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 1 cũng tăng vọt lên 759 USD/tấn, gấp 2,5 lần tháng 1/2021.
(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)
Đại diện FAV cho rằng nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu gặp “nguy” vừa tạo ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp phân bón Việt Nam nhưng cũng đè nặng nhiều áp lực khi phải đảm bảo nguồn cung trong nước.
Hiện, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như ure, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK, trong khi đó, phân SA và kali phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
“Năm 2021, sản xuất ure DAP, phân bón chứa lân, NPK… ước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2020. Giữa bối cảnh xung đột Nga – Ukraine, giá phân bón Việt Nam sẽ không có biến động mạnh vì chủ động sản xuất, trừ các mặt hàng nhập khẩu như SA, DAP, kali…”, ông Hà cho biết.
Siêu bão giá phân bón chưa dừng lại
Trước căng thẳng Nga – Ukraine, đại diện FAV cho rằng siêu bão giá phân bón lần thứ 3 có thể sẽ chưa dừng lại bởi giá nguyên liệu và các nguồn cung từ các nhà sản xuất chính đang bị gián đoạn.
Cụ thể, cho đến ngày 3/3, giá dầu Brent tiếp tục duy trì ở mức cao sau căng thẳng Nga - Ukraine, đạt 110,81 USD/thùng. Giá khí đốt cũng leo thang khi nguồn cung chính từ Nga bị đứt gãy, nhiều nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu buộc phải đóng cửa.
Ở một khía cạnh khác, thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung phân bón vì lệnh hạn chế xuất khẩu ở các nhà sản xuất chính.
Năm 2021, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá đột biến.
Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, bao gồm ure, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón.
Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để kìm hãm cơn sốt giá trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt.
Hạn ngạch xuất khẩu ure dự kiến là 5,9 triệu tấn; hạn ngạch đối với phân bón chứa nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Chuyên gia phân tích của CTCK BIDV cũng cho rằng: “Động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn/năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao”.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt từ EU đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung kali toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.
Tất cả những yếu tố trên khiến thế giới rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá phân bón tiếp tục neo cao trong thời gian tới.
Trước tình hình hiện nay, ông Phùng Hà khuyến cáo các nhà sản xuất phân bón trong nước cần phải đẩy mạnh sản xuất, ưu tiên cho thị trường trong nước kết hợp với xuất khẩu dựa trên tình hình thực tế của cung, cầu.
Sau một năm nông dân điêu đứng với giá phân bón, đại diện FAV cho rằng các doanh nghiệp cần giảm tối đa chi phí sản xuất, đưa phân bón đến tay người tiêu dùng với giá hợp lý.