"/>"/>

Doanh nghiệp cao su “kêu cứu”

09:22 SA @ Thứ Hai - 18 Tháng Hai, 2013

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là gian lận thương mại khiến cho sản phẩm săm lốp của các doanh nghiệp sản xuất trong nước điêu đứng.

Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã gây ra không ít khó khăn cho công ty. Cụ thể, trong thời gian qua, sản phẩm săm lốp của Casumina bị làm giả, làm nhái rất nhiều.

Ông Phú dẫn chứng, săm giả trà trộn vào thị trường trong nước rất nhiều, được sản xuất giống hệt săm thật (săm Casumina có 5 màu thì săm giả cũng có 5 màu), giá bán cũng thấp hơn nhiều, đem lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn nên sản phẩm này bị làm giả ngày càng nhiều. “Đây là vấn đề nhức nhối mà chúng tôi chưa tìm ra giải pháp”, ông Phú than thở.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cao su còn phải đối mặt với tình trạng các sản phẩm săm lốp nước ngoài ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam gần như không có sự kiểm soát về chất lượng, giá cả, thương hiệu… tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Chẳng hạn như hiện tượng gian lận qua giá nhập khẩu. Bằng chứng được ông Phú đưa ra là, giá thành của bộ lốp ô tô toàn thép khoảng 200 USD/bộ nhưng các công ty thương mại khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ khai giá khoảng 40 USD/bộ. Khi đó, thuế nhập khẩu và thuế GTGT của các doanh nghiệp được giảm đi rất nhiều.

Trong khi đó, ở nước ta do chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật nên rất nhiều nhãn hiệu săm lốp chất lượng thấp từ các nước trong khu vực được nhập một cách dễ dàng vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của người tiêu dùng.

Để giải quyết được những khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất cao su lên kế hoạch, trong quý I-2013, Công ty CP cao su Đà Nẵng (DRC) sẽ sản xuất được sản phẩm lốp ô tô toàn thép, các doanh nghiệp sẽ phối hợp để chống cạnh tranh, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có động thái gỡ khó cho doanh nghiệp. Ông Phú hiến kế: “Khi chúng ta đã có nhà máy sản xuất được sản phẩm lốp ô tô toàn thép, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) có thể kiểm tra giá sản xuất và đưa ra giá nhập khẩu tối thiểu (khoảng 170 - 200 USD/bộ) để chống lại hiện tượng gian lận thương mại đã xảy ra phổ biến trong thời gian qua. Nếu làm được như vậy thì sản lượng trong nước mới có thể tăng được”, ông Phú nói.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn cho nhà sản xuất lốp khi xuất khẩu vào Việt Nam, tức là xây dựng hàng rào thương mại. Bởi hiện nay các nhà sản xuất trên thế giới xuất khẩu vào Việt Nam một cách rất thoải mái.

Bộ Công Thương cần đề ra tiêu chuẩn cho các nhà sản xuất nước ngoài muốn bán sản phẩm vào Việt Nam, đồng thời cử nhóm chuyên gia sang kiểm tra, nếu nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng chỉ.

“Đây là những giải pháp căn cơ giúp cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam có sự bình đẳng để tiếp tục khẳng định mình và lớn mạnh hơn”, ông Phú nói.

Nguồn: