'Doanh nghiệp dở sống dở chết vì lạm phát, lãi suất'

08:26 SA @ Thứ Sáu - 28 Tháng Mười, 2011
Câu chuyện sống còn của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng phát triển chính của nền kinh tế trở thành một trong những đề tài nóng bỏng nhất trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội diễn ra sáng 27/10.

Quốc hội bước vào 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 2011, kế hoạch phát triển 2012 và giai đoạn 2011 - 2015 trong không khí khá sôi nổi. Một trong những vấn đề các đại biểu quan tâm hàng đầu vẫn là các mục tiêu kinh tế đặt ra cho năm 2012.

Hầu hết các ý kiến thảo luận tại hội trường trong buổi sáng 27/10 đều cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan điều hành trong năm tới. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng nhất thiết phải được đưa về mức dưới 10%. “Nếu duy trì lạm phát 2 con số trong một vài năm nữa, Việt Nam sẽ đánh mất gần hết những thành quả về kinh tế - xã hội”, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cảnh báo.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng trong những năm 2013 - 2015, chỉ số giá cần tiếp tục được đưa về mức 5-7%. Riêng với năm 2012, để phấn đấu cho mục tiêu kìm chế lạm phát, có thể chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn 2011 (dự kiến khoảng 6%) hoặc không cần đặt ra mục tiêu tăng trưởng.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cũng đồng ý với những ý kiến nêu trên khi cho rằng, chưa cần nói đến tăng trưởng bao nhiêu, chỉ riêng việc đưa CPI về dưới 10% trong năm 2012 cũng đã là một thành công lớn.

Từ thực tế, ông Tín cho biết tình trạng lạm phát, đi kèm với lãi suất cao đang khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Đại biểu cho rằng nếu lạm phát năm 2012 không được đưa về dưới 10%, lãi suất không hạ xuống khoảng 15% thì phần lớn số doanh nghiệp đang “sống dở, chết dở” nói trên sẽ không còn tồn tại.

Không chỉ vướng lãi suất cao, theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) và Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) còn cho rằng doanh nghiệp hiện còn rất khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn. Trích dẫn số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Sơn cho biết hiện chỉ có khoảng 20% các đơn vị sản xuất kinh doanh thường xuyên tiếp cận được vốn ngân hàng.

Trong khi đó, đại diện của đoàn Hà Tĩnh cho rằng các ngân hàng hiện nay cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. “Trong điều kiện hiện nay, có lẽ các ngân hàng nên bớt đi phần lợi nhuận nghìn tỷ của mình để chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành với nền kinh tế”, đại biểu Võ Kim Cự đề xuất.

Cùng với những khó khăn của doanh nghiệp, theo các đại biểu, tình trạng lạm phát cao cũng đang tác động sâu sắc tới đời sống nhân dân, dẫn tới tình trạng “lương không đủ sống”, nhất là đối với các cán bộ, công chức cấp huyện, xã tại nông thôn… Từ đó, điều này làm nảy sinh nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng gần đây nhưng chưa rõ đó là do tác dụng của điều hành vĩ mô hay do sức mua sụt giảm, đời sống nhân dân khó khăn. “Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ vẫn tăng 22,8% nhưng đó là chưa loại trừ yếu tố giá. Nếu loại trừ yếu tố này thì không biết con số sẽ còn được bao nhiêu”, chuyên gia kinh tế này đặt câu hỏi.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến đầu tư phát triển, an sinh xã hội, đặc biệt là với khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang), trong những năm gần đây, Chính phủ đã quan tâm hơn đến việc đầu tư cho nông thôn (số tiền chi năm 2011 gấp 2,21 lần năm 2008). Tuy nhiên tổng đầu tư toàn xã hội cho khu vực quan trọng này lại giảm (cách đây 10 năm là 16,85%, đến 2008 chỉ còn 6,45% và hiện chỉ còn 6%.

Cũng liên quan đến đầu tư, một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận sáng nay là câu chuyện phát triển kinh tế vùng. Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế các địa phương hiện tiếp tục diễn ra tình trạng “dàn hàng ngang” trong đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, trường đại học (hiện có 40 tỉnh, thành có trường đại học). “Chính phủ nên rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế vùng để đồng vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là trong điều kiện phải thắt chặt chi tiêu hiện nay”, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề xuất.

Về vấn đề quản lý nợ công, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng không nên lấy con số 60 - 65% GDP mà phải căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, khả năng trả nợ để xác định có an toàn hay không. Theo chuyên gia kinh tế này, hấp thụ vốn kém đã trở thành “bệnh kinh niên” của kinh tế Việt Nam khi hiệu quả sử dụng thấp không chỉ xuất hiện ở khu vực công mà có cả ở khu vực tư nhân.

“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, khi đầu tư, cần nhớ rằng mượn tiền người ta đã khó, quản lý và trả lại số tiền đó ra sao còn khó hơn gấp nhiều lần”, đại biểu Lịch lưu ý.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và TP HCM trong 9 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn 2 thành phố lớn có gần 4.500 doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc bỏ khỏi trụ sở... (Hà Nội có hơn 2.800, TP HCM có 1.663 doanh nghiệp). Theo lãnh đạo Sở Hà Nội, ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, số doanh nghiệp giải thể một năm cũng chỉ khoảng 300 - 400.

Nguồn: