"/>
Báo Lao Động số 294 và 295 ra các ngày 19, 20.12.2013 có loạt bài “Giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao: Nhà nông oằn mình “nuôi” doanh nghiệp” phản ánh thực trạng người nông dân gặp khó khăn do giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, trong khi nhiều loại phân bón trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí vượt. Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Phùng Hà (ảnh) – Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương). Ông Phùng Hà cho biết:
- Hiện năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ với tổng sản lượng sản xuất hằng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại. Cụ thể, một số loại phân bón chính như urea, NPK, phân bón chứa lân... đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Năm 2013, do giá hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm hoặc giá thấp nên nhu cầu phân bón không tăng nhiều. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11, nhu cầu phân bón cho vụ đông đã bắt đầu tăng nên giá một số loại phân bón trên thị trường thế giới bắt đầu tăng nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, giá phân bón thế giới hiện nay thấp hơn khoảng trên 20%. Tại thị trường trong nước, từ quý III, giá phân bón liên tục giảm do nguồn cung trong nước khá dồi dào cùng với nguồn nhập khẩu giá thấp từ thị trường Trung Quốc (sau khi TQ giảm thuế xuất khẩu).
Thưa ông, theo phản ánh của nông dân thì giá phân bón vẫn chiếm một tỉ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, khiến họ làm ăn không có lãi. Vậy một khi VN đã chủ động được nguồn cung phân bón thì giá phân bón có thể giảm được không?
- Hiện nay giá phân bón được quản lý theo cơ chế giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Các DN kinh doanh phân bón được quyền tự định giá theo tín hiệu thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả SXKD. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN kinh doanh phân bón, của người sử dụng và lợi ích của Nhà nước thông qua các biện pháp: Điều hòa, bảo đảm cân đối cung cầu các loại phân bón giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu (NK); áp dụng các biện pháp về tài khóa, tiền tệ; kiểm tra, kiểm soát thị trường... Nhờ cơ chế đó, kinh doanh phân bón có môi trường cạnh tranh khá mạnh trên thị trường, nhất là sự cạnh tranh về giá bán giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón NK.
Một bất cập nữa là hệ thống phân phối phân bón qua nhiều tầng nấc trung gian chính là nguyên nhân khiến DN sản xuất phân bón không thể kiểm soát được giá bán đến tận tay nông dân. Có thời điểm (nhất là vào mùa vụ) luôn xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng khiến nông dân phải mua phân bón với giá cao. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo ông cần phải xử lý vấn đề gì?
- Để kiểm soát giá bán phân bón, Chính phủ và các bộ ngành đã chỉ đạo các DN sản xuất, phân phối phân bón trong nước tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt các tầng nấc trung gian trong hệ thống, đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu trong đó có mặt hàng phân bón. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà sản xuất phân bón trong nước ổn định sản xuất, phát huy tối đa công suất thiết kế, chỉ đạo TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí thực hiện nghiêm túc việc duy trì lượng phân đạm dự trữ tối thiểu là 70.000 tấn để luôn đảm bảo nguồn cung, tránh hiện tượng thiếu hàng dẫn đến tăng giá, sốt giá.
Có ý kiến cho rằng, cần xây dựng cơ chế để DN công khai, minh bạch chính sách giá với phân đạm. Trường hợp Nhà nước vẫn chủ trương điều tiết giá theo thị trường, cần có chính sách điều tiết phù hợp lợi nhuận từ DN để hình thành quỹ bình ổn phân bón. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Theo quy định của Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1.1.2013 thì mặt hàng phân đạm, phân NPK là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghị định quy định chi tiết hướng dẫn Luật Giá. Để điều hành giá các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá trong khi chờ nghị định của Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính địa phương hướng dẫn tạm thời về việc đăng ký giá, kê khai giá, theo đó: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá thì các tổ chức, cá nhân thuộc danh sách phải đăng ký giá. Trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp bình ổn giá thì tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá tại địa phương. Các cơ sở kinh doanh phân bón phải thực hiện việc niêm yết, công khai giá bán phân bón.
- Xin cảm ơn ông.