Tại hội nghị “Tình hình chung tác động đến thị trường phân bón thế giới và trong nước” tổ chức ở TPHCM ngày 13-12, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Theo ông Thúy, thời gian qua, một số thương nhân lợi dụng việc hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đã lấy nước lã đóng thùng 5 lít cho vào một ít phân urê quảng cáo là urê nước rồi bán cho nông dân với giá bán 50.000 đồng/bình.
Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Ngay cả nguồn phân bón nhập khẩu đóng bao trong nước cũng bị nhiều cơ sở nhái bao bì phân kali của Công ty CP XNK Hà Anh, Công ty CP Vật tư Nông sản, Công ty CP Vật tư Kỹ thuật Cần Thơ... Đặc biệt là phân kali của Công ty TSC Cần Thơ được phát hiện hồi tháng 4 và tháng 8 vừa qua chỉ làm bằng muối và phẩm màu trộn gạch non nghiền…
Ông Võ Văn Quyền, Cục phó Cục QLTT, cho biết riêng mặt hàng phân bón, lực lượng QLTT đã xử lý trên 300 vụ liên quan đến chất lượng, giả nhãn hiệu. Do đó cần phải siết chặt kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất phân bón, áp dụng quy định mới về điều kiện sản xuất mặt hàng này, nâng mức xử phạt đủ sức răn đe...
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết thị trường phân bón đang có nhiều vấn đề cần giải quyết. Doanh nghiệp (DN) nhỏ mọc lên như nấm, làm ăn chụp giựt khiến DN làm ăn nghiêm chỉnh không cạnh tranh nổi, bị lỗ hàng trăm tỉ đồng... Ông Phong cho biết: Gần đây còn có tình trạng phân bón từ phía Bắc đưa vào ĐBSCL tiêu thụ với số lượng lớn. Nguồn hàng này chủ yếu nhập lậu, có chất lượng không ổn định với giá thấp hơn nhập chính thức từ 1 triệu - 2 triệu đồng/tấn nên được nhiều người mua. Cũng theo ông Phong, mỗi ngày khu vực miền Tây tiêu thụ từ 1.000 tấn - 3.000 tấn phân bón các loại (urê, DAP, kali) từ nguồn hàng này.
Nhiều tầng nấc trung gian
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết giá phân bón hiện nay quá cao. Giá từ DN giao xuống đại lý chỉ chênh lệch vài trăm đồng/kg nhưng khi đến tay nông dân thì mức chênh lệch bị đẩy lên đến vài ngàn đồng/kg do có nhiều tầng nấc trung gian. Tình trạng độc quyền, liên minh để đầu cơ, găm hàng làm giá vẫn còn gây nhiều khó khăn cho nông dân.