"/>"/>

Giá phân bón cao do đâu?

04:35 CH @ Thứ Hai - 15 Tháng Tám, 2011
Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa vụ giá phân bón lại "nhảy múa", tăng cao, khiến người nông dân phải móc thêm hầu bao vốn đã cạn kiệt để chăm lo cây trồng.

Từ cuối năm 2010, giá phân bón đã tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg và liên tục tăng đến thời điểm này, khiến nông dân lao đao. Vấn đề giá phân bón cao bất thường đã trở thành chủ đề nóng được xã hội, người dân đặc biệt quan tâm.

Lý giải nguyên nhân trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Nhà nước đã hỗ trợ bình ổn giá phân bón như áp dụng thuế suất nhập khẩu 0%, ưu đãi giá nguyên liệu đầu vào một số loại phân bón sản xuất trong nước. Tuy nhiên việc quản lý, điều hành giá, triển khai các biện pháp bình ổn còn bất cập; hệ thống điều hòa cung cầu còn yếu, không thống nhất, thông tin kém; mạng lưới cung ứng phân bón đến tay nông dân còn chồng chéo, vòng vèo cộng với tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền nhưng chưa được đánh giá, kiểm soát; tình trạng đầu cơ găm hàng, hạch toán chi phí sản xuất và lưu thông chưa hợp lý... cũng góp phần đẩy giá phân bón tăng. Trong những nguyên nhân trên, hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền có lẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giá phân bón tăng và khó kiểm soát.

Tình trạng nhập khẩu phân bón về rồi lại xuất ngược ra ngoài thể hiện sự lúng túng trong điều hành vĩ mô về thị trường phân bón. Bên cạnh đó, mạng lưới cung ứng phân bón chồng chéo, rối loạn. Hiện tượng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hàng giả, hàng nhái càng có cơ hội phát sinh. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, Nhà nước bao cấp giá nguyên liệu cho doanh nghiệp nhưng không kiểm soát giá đầu ra, cung - cầu thị trường chưa cân bằng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp nhập khẩu bằng các con đường không chính thức, nhập khẩu tiểu ngạch vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng cả về lượng và giá, thì thị trường phân bón sẽ chưa thể bình ổn. Có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân làm giá phân bón tăng là "giá mua phân bón của nông dân bị đội lên 30% do qua hệ thống các đại lý phân phối cấp 1, 2, 3. Thí dụ như ở An Giang, 50% nông dân mua ở đại lý cấp 3; 40% mua tại đại lý cấp 2, chỉ có 10% mua trực tiếp ở đại lý cấp 1. Tỉnh này có khoảng 1.300 đại lý. Lý do nông dân mua đại lý cấp 3 là họ được mua chịu".

Thực tế, vai trò quyết định giá cả phân bón ở Việt Nam không phải ở hệ thống phân phối mà ở trong tay các nhà sản xuất. Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn thực hiện tháng 12-2010 cho biết, các nhà phân phối cấp 1, cấp 2 chỉ có thể canh chừng động thái của nhà sản xuất để "găm hàng" hưởng chênh lệch giá cho lô hàng mới chốt hợp đồng, còn giá lên xuống bao nhiêu là do các nhà sản xuất đưa ra dựa trên biến động của giá cả thị trường thế giới. Trên thị trường phân bón, Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) là một trong ít công ty áp dụng việc công khai niêm yết giá và chính sách một giá đến người nông dân, tuy nhiên chính sách này tỏ ra không tác dụng như nó được kỳ vọng.

Trên thực tế, không có biến động về giá thì nông dân ở các vùng miền khác nhau có thể tiếp cận được đạm Phú Mỹ với cùng một giá nhưng là giá cao hơn đáng lẽ không áp dụng chính sách một giá. Thí dụ, tháng 7-2008, giá công ty giao đến đại lý là 8.600 đồng/kg đại lý sẽ cộng thêm chi phí, phí vận chuyển, đến tay nông dân dao động khoảng 9.000 - 9.500 đồng/kg. (tùy theo vùng, miền). Khi áp dụng chính sách một giá, công ty chịu chi phí vận chuyển thì giá bán đến đại lý cuối cùng là 9.500 đồng/kg. Như vậy, với chính sách một giá, nhưng chỉ bán đến đại lý theo phương thức trả lùi chi phí thì về bản chất, giá bán phân đạm Phú Mỹ không thay đổi, hay đúng ra còn đắt hơn chứ không làm giảm hơn giá thị trường 10 - 15% như PVFCCo công bố.

Ngược lại, khi có biến động về giá thì các cửa hàng bán lẻ hoặc không niêm yết giá bán và bán theo giá thị trường thường là cao hơn giá niêm yết rất nhiều, hoặc niêm yết giá bán theo quy định nhưng nông dân không mua được vì không có hàng. Ðại lý cũng chỉ được phân phối một cách nhỏ giọt như thời bao cấp. Thí dụ từ 16-12-2010 đến 31-12-2010 giá trần đạm Phú Mỹ được quy định niêm yết tại cửa hàng bán lẻ là 7.400 đồng/kg (đã có VAT) nhưng giá bán sang tay ngay tại cổng nhà máy đã là 7.800 đồng/kg, giá ngoài thị trường là 8.500 đến 9.000 đồng/kg. Nông dân không có cách nào mua được với giá niêm yết. Ðiều này vô hình trung tạo ra cơ chế xin cho và tạo đất cho nạn tham nhũng có cơ hội phát triển.

Cùng là chính sách như nhau nhưng quản lý giá có thể làm được đối với phân lân nhưng không thể áp dụng với phân đạm. Vấn đề là ở chỗ, nguồn cung phân đạm vẫn còn khoảng cách lớn so với yêu cầu thì việc quản lý giá ngày càng tạo nhiều bất cập hơn. Thực tế cho thấy, giá cả bị thao túng bởi các nhà sản xuất lớn trong nước. Chừng nào cung vẫn chưa đủ để đáp ứng cầu thì nhà nước chỉ có thể can thiệp vào giá cả phân bón về mặt lý thuyết. Các doanh nghiệp không định giá theo các yếu tố cấu thành giá (giá thành sản xuất) mà định giá theo giá thế giới. Ðối với đạm ure, giá đạm ure Trung Quốc khi được nhập về tới Việt Nam được dùng làm giá tham chiếu. Khi về tới việt Nam, giá đạm ure của Trung Quốc đã đội lên rất cao do phải chịu mức thuế xuất khẩu đôi khi lên tới 185% (thời điểm tháng 9-2008) chưa kể việc nhập khẩu phân bón còn phải chịu cước phí vận chuyển từ 95 - 105 USD/tấn và các chi phí khác như bảo hiểm, hải quan, tỷ giá nội tệ...

Nguồn: