Giá phân bón tăng chóng mặt: Do thiếu hay bị làm giá?

10:29 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Chín, 2011

Chưa vào vụ ĐX, giá nhiều mặt hàng phân bón ở các tỉnh phía Nam đã liên tục tăng mạnh. Sự tăng giá này, ngoài yếu tố tác động từ thị trường thế giới, còn có những dấu hiệu bất thường.

Giá tăng mạnh

Sáng 15/9, bước chân vào đại lý phân bón Rạch Chanh, ông Nguyễn Văn Mạnh, nông dân ấp 1, xã Mỹ Phú (Thủ Thừa, Long An) không khỏi giật mình, khi thấy giá urê Phú Mỹ đã lên tới 12.600 đ/kg. Theo ông Mạnh, cây đây chừng 10 ngày, giá urê các loại mới chỉ khoảng từ 11.500-11.800 đ/kg. Vậy mà khi nông dân mới chuẩn bị vào vụ lúa mới, giá urê đã tăng thêm tới gần 1.000 đ/kg. Chẳng biết đến khi vào vụ, giá urê còn tăng nữa hay không?

Ở Đồng Nai, giá nhiều loại phân bón cũng vừa tăng mạnh hồi đầu tuần. Ông Năm Châu, chủ một đại lý phân bón ở xã Suối Trầu (Long Thành), cho biết giá urê Indonesia đã từ mức 12.000 đ/kg tăng lên 12.500 đ/kg, kali Israel và Nga tăng từ 12.000 đ/kg lên 12.200 đ/kg. Riêng kali từ đầu tháng 9 đến giờ đây đã là lần tăng giá thứ 2, vì hồi đầu tháng, đã có một lần tăng thêm 250 đ/kg với cả kali Nga lẫn Israel.

Theo ông Đỗ Văn Hùng, TGĐ Cty CP Phân bón Việt Mỹ, urê tăng giá vì đang có dấu hiệu khan hiếm. Nguyên nhân là do trên thị trường thế giới, nhiều nước đang mua urê với khối lượng lớn, khiến cho giá urê tăng mạnh. Trong khi đó, do chính sách thắt chặt xuất khẩu urê, trong hơn 10 ngày qua, nguồn urê từ Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam, dường như đang bị chặn lại ở bên kia biên giới.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá urê tăng cao, là do ở nhiều nước trong khu vực chuẩn bị vào vụ mùa, do đó nông dân đang tăng cường tích trữ urê. Bên cạnh đó, giá vàng, giá đô la tăng cao cũng tác động tới việc tăng giá urê. Dấu hiệu suy thoái ngấm ngầm của nền kinh tế thế giới cũng đang tác động tới giá phân bón nhập khẩu.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tới 55% urê nhập khẩu nên khó tránh khỏi những tác động về giá cả từ các yêu tố nói trên. Trong khi đó, lượng urê mà các DN đang tồn trữ hiện khá mỏng. Theo ông Thúy, từ nay đến cuối năm, nhu cầu urê vào khoảng 700 ngàn tấn. Đến thời điểm này chưa thể nói vụ ĐX tới có thiếu urê hay không. Phải tới hết tháng này, sau khi có thông tin tổng hợp từ các DN, thì mới biết được là sẽ thiếu hay đủ.

Có dấu hiệu làm giá?

Giá phân bón tăng cao có nguyên nhân ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố phân bón đang bị làm giá bởi các đại lý hoặc bởi một số nhà nhập khẩu.

Theo thông báo chính thức của TCty Phân bón & Hóa chất Dầu khí, bắt đầu từ ngày 1/9, giá urê Phú Mỹ mà TCty này bán ra là 11.000 đ/kg (tăng 700 đ/kg so với trước đó). Thông thường, khi qua các đại lý cấp 1, cấp 2 rồi tới cấp 3, giá bán lẻ tới tay người nông dân sẽ tăng thêm khoảng 1.000 đ/kg, tương đương với mức 12.000 đ/kg. Thế nhưng giá bán lẻ urê Phú Mỹ tới tay người nông dân ở nhiều địa phương đang cao hơn khá nhiều.

Chẳng hạn như ở đại lý Rạch Chanh mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên, giá một bao urê Phú Mỹ 50 kg hiện là 630.000 đồng, tương đương với 12.600 đ/kg. Ở đại lý Nguyễn Thanh Liêm (ấp Tân Hội, Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An), giá urê Phú Mỹ cũng ở mức trên và cao hơn nhiều so với giá u rê Trung Quốc. Theo ông Liêm, chủ đại lý này, giá một bao urê Phú Mỹ hiện 630.000 đ/bao (tương ứng với trên 12.600 đ/kg), trong khi 1 bao urê Trung Quốc chỉ có 570.000 đồng (11.400 đ/kg).

Còn ở đại lý Bà Hương (phường 2, TP Tân An, Long An), khi tới hỏi về giá urê, chúng tôi không khỏi giật mình khi được bà chủ đại lý thông báo rằng giá urê hạt to của Indonesia là 15.000 đ/kg, còn urê Phú Mỹ là 13.400 đ/kg.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia phân bón, trong thời gian qua, giá kali trên thế giới không tăng, nhưng ở nước ta, giá kali lại tăng liên tục. Đó là một sự bất thường.

TGĐ một công ty sản xuất phân bón, nói thẳng:“Trước đây, kali được nhập nhiều từ Trung Quốc, nhưng hiện nay kali Trung Quốc gần như không có. Chỉ có kali nhập từ Nga, do 3 DN thực hiện. Do đó, không loại trừ 3 DN này đã bắt tay nhau để đẩy giá lên” (?).

Nguồn: