"/>"/>

Giúp nông dân yên tâm sản xuất

09:18 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Chín, 2013

Cung ứng phân bón cho sản xuất nông nghiệp ở nước ta từ trước đến nay vẫn là vấn đề nóng. Vụ đông xuân năm 2013-2014 tới, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để ổn định cung cầu và giá cả phân bón, giúp nông dân an tâm đầu tư, gắn bó với ruộng đồng.

Chủ động nguồn cung

Nhu cầu phân bón hóa học cho sản xuất nông nghiệp nước ta năm 2014 là gần 11 triệu tấn các loại, trong đó có khoảng 2,2 triệu tấn phân u-rê, 900 nghìn tấn SA, 960 nghìn tấn ka-li, 900 nghìn tấn DAP, bốn triệu tấn NPK và 1,8 triệu tấn lân... Hiện nay, sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng hoàn toàn phân u-rê, phân lân, phân NPK, phân ka-li vẫn phải nhập khẩu 100% vì trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất; phân DAP mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu từ nguồn sản xuất, còn lại phải nhập khẩu. Thị trường phân bón ở nước ta chịu sự chi phối lớn bởi thị trường thế giới, phụ thuộc vào cung cầu, thị hiếu của người dân và cơ chế điều hành của Nhà nước. Nhất là những mặt hàng trong nước không cân đối được, như phân ka-li hoàn toàn bị tác động bởi thị trường nước ngoài, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lên xuống thất thường. Trong mấy năm qua, thị trường phân ka-li biến động mạnh về cung cầu và giá cả, có những năm giá tăng đột biến (năm 2008), đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư phân ka-li cho sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nông dân. Hiện nay, phân ka-li nhập khẩu thường không ổn định, lượng tồn kho không nhiều, nhập khẩu thường bị động về nguồn ngoại tệ, tỷ giá USD, giá cả bấp bênh, trong khi nhu cầu phân ka-li cho vụ đông xuân lại là lớn nhất so với các vụ trong năm. Nguồn cung ứng và giá bán phân bón hiện nay vẫn đang ổn định, giá bán phân u-rê từ 7.500 đến 7.800 đồng/kg, ka-li từ 10.500 đến 10.700 đồng/kg, DAP từ 10.500 đến 11 nghìn đồng/kg, SA từ 3.800 đến 4.000 đồng/kg.

Vấn đề đặt ra là, cần ổn định thị trường, giá cả phân bón trong năm 2014, nhất là cho sản xuất vụ đông xuân, không để tình trạng biến động lớn về cung cầu hay cơn sốt giá phân bón xảy ra.

Ðổi mới cơ chế

Thời gian qua rất nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón, kể cả những tổ chức, cá nhân sản xuất nhỏ lẻ diễn ra "muôn hình, muôn vẻ", việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này, nhất là quản lý chất lượng phân bón đã và đang là đòi hỏi bức xúc. Hiện nay, Nhà nước chỉ còn hỗ trợ một phần cho công nghiệp sản xuất phân bón; như khí đồng hành, than cho sản xuất phân đạm. Chính sách hỗ trợ cước phí vận chuyển phân bón cho miền núi, vùng sâu, vùng xa; chính sách khuyến khích đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước.

Việc quản lý chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tăng cường các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đưa ra thị trường phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Về quản lý giá thực hiện theo Luật Giá; các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ phân bón phải niêm yết giá bán, đồng thời đăng ký và kê khai giá bán với Bộ Tài chính. Cơ chế điều hành của Nhà nước về lĩnh vực phân bón những năm qua đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, bảo đảm cho hoạt động kinh doanh phân bón thuận lợi, hướng công bằng và bình đẳng; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhằm mục tiêu hạ giá bán phân bón có lợi cho nông dân.

Trước hết, Bộ Công thương cần rà soát lại năng lực sản xuất của các nhà máy cơ chế điều hành để bảo đảm nguồn cung ứng phân bón kịp thời cho sản xuất vụ đông xuân 2013-2014 và cân đối cả năm 2014 cho sản xuất nông nghiệp; hạn chế tới mức thấp nhất việc nhập khẩu phân bón, nhất là mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ.

Tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra chất lượng phân bón; có cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích việc bảo đảm cung cầu đối với những mặt hàng phân bón mà sản xuất trong nước chưa cân đối được như phân ka-li. Ngân hàng cần ưu tiên và bảo đảm ngoại tệ cho việc nhập khẩu đủ ka-li cho sản xuất.

Cần giám sát chặt chẽ giá bán đối với mặt hàng sản xuất trong nước đã bảo đảm cân đối, còn dôi dư có thể xuất khẩu, như phân u-rê. Bộ Công thương và Bộ Tài chính chỉ đạo các nhà máy sản xuất phân đạm trong nước cần cân nhắc kỹ khi tăng giá bán phân bón vào lúc thị trường thế giới biến động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư cho sản xuất nông nghiệp không nên dựa vào giá thế giới để định giá bán. Mặt khác, giá thành sản xuất phân đạm trong nước thường thấp hơn nhiều so với giá phân nhập khẩu. Nếu bán ngang bằng với thị trường phân bón thế giới, thì nông dân nước ta sẽ bị thua thiệt và không được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, trong khi Nhà nước lại không đánh thuế tài nguyên.

Bảo đảm các giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định cung cầu và giá bán phân bón cho nông dân trong tình hình hiện nay có ý nghĩa quan trọng, hạn chế và ngăn chặn kịp thời tình trạng đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường, giảm thiệt hại cho nông dân và giúp nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: