Sản xuất dư thừa nhưng một số loại phân bón vẫn được nhập khẩu ồ ạt đã khiến phân bón trong nước không cạnh tranh nổi với phân bón nhập khẩu. Tự tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ phân bón bằng việc cơ cấu lại sản xuất và xuất khẩu (XK) đang là hướng đi của không ít DN.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kết thúc năm 2016, XK phân bón giảm cả lượng và giá trị so với năm 2015, lần lượt là 5,7% và 24,9%, tương đương với 746,8 nghìn tấn, trị giá 209,7 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - nhận định, XK phân bón là hướng mở cho các DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thị trường XK phân bón của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân bón của các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện thị trường XK phân bón của Việt Nam chủ yếu sang các nước châu Á, trong đó chủ yếu XK sang Campuchia, chiếm 34,5% tổng lượng phân bón XK, với 258,3 nghìn tấn, trị giá 80,3 triệu USD, giảm 14,15% về lượng và giảm 30,26% về trị giá so với năm trước. Thị trường XK lớn đứng thứ hai là Hàn Quốc, với 84,8 nghìn tấn, trị giá 15,8 triệu USD, giảm 13,94% về lượng và 42,62% về trị giá, kế đến là Malaysia, giảm 4,5% về lượng và giảm 29,27% về trị giá …
Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia kinh tế, mỗi DN sản xuất phân bón cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, có chiến lược xây dựng thương hiệu.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) - cho rằng, tại thời điểm này, giải pháp mà Vinachem đưa ra cho các DN là chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị làm chủ thiết bị, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và XK.
Cùng với đó, tập đoàn và các đơn vị cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nhằm tranh thủ hỗ trợ về pháp lý, nghiệp vụ để mở rộng thị trường XK, tăng chủng loại và số lượng hàng hóa XK.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thanh lưu ý, DN nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phân bón SA, phân kali để giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu. Còn riêng với phân urê, hiện tại sản xuất trong nước đã quá dư thừa, không nên nhập khẩu.
Cũng theo ông Thanh, Bộ đã đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) để gỡ khó chính sách thuế VAT cho phân bón. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích các DN sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất các loại phân bón chất lượng cao, chủ động nguồn cung với giá thành hợp lý. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón theo đúng thông lệ quốc tế, khả năng có thể áp dụng được, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Theo Cục Hóa chất, những kiến nghị sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với tình hình thực tế là việc làm cần thiết giúp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN sản xuất và quyền lợi của người nông dân trước sức ép cạnh tranh từ phân bón nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Nguồn: Báo Công Thương