Cần có biện pháp quyết liệt và bài bản trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ với lộ trình thực hiện rõ ràng; thực hiện nguyên tắc bán theo giá thị trường... Ðó là chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
Khó thoái
Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tình trạng khó thoái vốn theo quy định gặp nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán (TTCK) gần như đóng băng. Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), gần 2,1 triệu cổ phiếu (tương đương 6,13% vốn) đầu tư tại Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) đã không bán được qua đấu giá bởi thị giá cổ phiếu chỉ dao động từ 2.300 đến 2.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng tối thiểu là 10.600 đồng/cổ phiếu. Vướng mắc mà Vinachem gặp phải chính là "nút thắt" của quy định phải bảo đảm an toàn nguồn vốn Nhà nước tại các DNNN, và "nút thắt" này đã khiến quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành thiếu quyết liệt và chậm trễ. Không chỉ Vinachem, hầu hết các doanh nghiệp khác đều gặp phải tình cảnh này, khiến quá trình thoái vốn trở nên bế tắc, không thể thực hiện được.
Thực hiện quy định của Chính phủ, nhiều DNNN cũng đã cấp tập thực hiện thoái vốn để bảo đảm đúng tiến độ, và nhiều DNNN cũng đã chấp nhận những khó khăn nhất định, thậm chí chấp nhận thua lỗ khi thoái vốn trong những lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong thời buổi kinh tế suy thoái. Mặc dù vậy, kết quả thoái vốn vẫn còn rất hạn chế khi trong tổng số gần 22 nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước phải thoái đã được xác định thì cũng chỉ mới thoái được 4.200 tỷ đồng, và cũng chỉ có 276 tỷ đồng bán được cho nhà đầu tư bên ngoài, còn lại gần 3.900 tỷ đồng vẫn là giao dịch nội bộ.
Và ngại thoái sớm
Bên cạnh thực trạng các DNNN khó thoái vốn trước năm 2015 lại có thực trạng nhiều DNNN không muốn thoái sớm vì có các khoản đầu tư ngoài ngành đã, đang và sẽ đạt hiệu quả tốt, phát huy tác dụng đồng vốn Nhà nước. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015 của Chính phủ mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao-su Việt Nam (VRG) Trần Ngọc Thuận báo cáo, nếu buộc phải thoái tất cả vốn ngoài ngành chính xong trước năm 2015 thì sẽ "rất lãng phí", bởi VRG có nhiều dự án đang đầu tư dở dang phải hoàn thiện, và khi đó sẽ đánh giá được hiệu quả của dự án, còn nếu thoái vốn ngay thì sẽ giống việc may một chiếc áo mà chưa có khuy thì làm sao mà bán được giá. VRG cũng vẫn có một số dự án không thể chấm dứt, cần kéo dài việc thoái vốn sau năm 2015 vì ở tình thế "buộc phải kéo dài" như các dự án đầu tư trồng cao-su ở Cam-pu-chia.
Ðồng quan điểm này với lãnh đạo VRG, Chủ tịch HÐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Ðầu tư và Phát triển (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, BIDV có hai lĩnh vực ngoài ngành đang rất hiệu quả là dự án thủy điện tại Lào có tỷ suất lợi nhuận 10,8% và Công ty cho thuê máy bay có tỷ suất lợi nhuận là 18%. Cần có lộ trình và sự phân loại dự án, DN cụ thể chứ không nên cứng nhắc bắt buộc phải thoái vốn với bất kỳ giá nào, như thế chính là làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư Nhà nước.
Giải quyết triệt để vướng mắc
Theo thống kê của Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã sử dụng hơn 22 nghìn tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành, chủ yếu là ở lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đã trở nên bức thiết, vừa là để điều chỉnh chiến lược vĩ mô, vừa là để chỉnh đốn lại kế hoạch kinh doanh của các DNNN, nhằm tái cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực... và qua đó, tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế. Thực tế yêu cầu quá trình thoái vốn này cần được tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Việc xử lý những bất cập tài chính của DN thời gian qua cho thấy mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thoái vốn, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, CPH và thoái vốn Nhà nước tại DN đến năm 2015. Trong đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị cho phép DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ; đề xuất tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tối đa; tiếp tục thúc đẩy TTCK, thị trường tài chính phát triển...
Từ những vấn đề thực tiễn được trao đổi tại Hội nghị vừa qua, Chính phủ đã đồng thuận với các giải pháp tháo gỡ "nút thắt" để thúc đẩy việc thoái vốn. Cụ thể, các cơ quan chức năng đồng thuận với đề xuất về các trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận. Ðồng thời, sẽ điều chỉnh quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ mười tỷ đồng trở lên theo hướng không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán. Ðây được xem là các giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thoái vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đồng thuận với giải pháp cho phép DN bán vốn khi không thể thoái vốn theo kế hoạch.
Ngày 19-2, Bộ Tài chính đã ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nước ngoài đầu tư vào DN để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại DN. Ðáng chú ý là quy định người đại diện sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả công việc được chủ sở hữu phần vốn Nhà nước giao.