Nam. Việc có tới trên 500 DN SX phân vô cơ và hàng nghìn DN kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh, trong đó có không ít công ty làm ăn chộp giật bằng công nghệ “máy trộn bê tông” đã biến ngành phân bón nước ta vài năm trở lại đây hỗn loạn, mất kiểm soát."/>Nam. Việc có tới trên 500 DN SX phân vô cơ và hàng nghìn DN kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh, trong đó có không ít công ty làm ăn chộp giật bằng công nghệ “máy trộn bê tông” đã biến ngành phân bón nước ta vài năm trở lại đây hỗn loạn, mất kiểm soát."/>

Hỗn loạn phân bón

02:20 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Chín, 2013

Không có bất kỳ nước nào trên thế giới nhiều đầu mối SX-KD phân bón như Việt Nam. Việc có tới trên 500 DN SX phân vô cơ và hàng nghìn DN kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh, trong đó có không ít công ty làm ăn chộp giật bằng công nghệ “máy trộn bê tông” đã biến ngành phân bón nước ta vài năm trở lại đây hỗn loạn, mất kiểm soát.

Dễ như… đăng ký làm phân bón

Một trong những nguyên nhân khiến ngành phân bón tại Việt Nam trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát là do việc cấp phép SX-KD quá dễ dàng dẫn đến việc làm phân bón trở nên quá đơn giản. Chỉ cần tờ giấy chứng nhận kinh doanh và một bộ quy trình SX phân bón là bất cứ ai cũng có thể tham gia vào thị trường béo bở này.

SỰ LẠ Ở MỘT NGÀNH QUAN TRỌNG

Thật lạ, một ngành quan trọng như SX-KD phân bón, đặc biệt với nước nông nghiệp như Việt Nam lại không cần điều kiện. Theo Nghị định 113/2003/NĐ-CP về quản lý SX, kinh doanh phân bón của Chính phủ và Nghị định 191/2007/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 113 thì gần như ai cũng có thể làm phân bón.

Để được phép SX-KD phân bón, đầu tiên các đơn vị, tổ chức cá nhân sẽ phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư SX-KD mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cụ thể ở đây là Bộ KH-ĐT hoặc Sở KH-ĐT tại các địa phương. Tiếp theo là các điều kiện về máy móc, thiết bị, con người, môi trường và bộ phận kiểm nghiệm phân tích để đảm bảo mọi lô hàng phân bón trước khi ra thị trường đều đạt chất lượng theo quy định. Tuy nhiên, Nghị định 113 và Nghị định 191 sửa đổi, bổ sung còn mở ngoặc đơn thêm cho các DN SX-KD phân bón: Trong trường hợp không có đủ các điều kiện trên thì có thể hợp tác hoặc đi thuê, đi gia công ở những đơn vị có đầy đủ các điều kiện đó? Đây chính là kẽ hở pháp lí để các DN phân bón giả, nhái, phân bón kém chất lượng ra đời.

Mặt khác, do SX-KD phân bón là ngành không cần điều kiện nên mọi quy định, tiêu chuẩn đều do DN tự công bố mà không có bất cứ đơn vị nào kiểm tra, thẩm định dây chuyền, máy móc, con người của DN có đạt tiêu chuẩn hay không. Các đơn vị chức năng chỉ làm công tác hậu kiểm khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Vì thủ tục đăng kí kinh doanh quá dễ dàng như vậy nên chỉ trong vòng vài ba năm gần đây, các DN phân bón ra đời như “nấm mọc sau mưa” lên tới con số vài nghìn. Thực tế, những vụ DN kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát giác thời gian gần đây chủ yếu là những đơn vị có tài sản vỏn vẹn là vài cái máy… trộn bê tông mà không hề có thiết bị máy móc, nhà xưởng hay con người.

Hơn nữa, theo các quy định hiện nay, nếu các DN SX-KD sản phẩm phân bón đã nằm trong danh mục do Bộ NN-PTNT ban hành hoặc tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 18% không cần khảo nghiệm mà tự công bố. Đây là một tiến bộ, song đi cùng với nó là công tác quản lí đầu vào, tức là điều kiện thành lập DN phải chặt chẽ, công tác thanh, kiểm tra xử phạt thật nghiêm minh may ra mới có thể răn đe được các đơn vị có ý định làm ăn gian dối. Nhưng thực tế các cơ quan quản lí của ta gần như mất kiểm soát với các sản phẩm phân bón tự công bố quy trình, chất lượng. Đầu vào không quản lí được nên dẫn tới đầu ra tóe loe, mất kiểm soát. Hiện, ngoài thị trường có tới hơn 5.000 loại phân bón khác nhau mà ít cán bộ chuyên ngành nào có thể nhớ được hết tên chứ chưa nói gì đến nông dân hay đại lí phân phối, bán lẻ.

5 BỘ QUẢN LÍ VẪN LỎNG

Theo tìm hiểu của NNVN, hiện có tới 5 Bộ quản lí hoạt động SX-KD phân bón. Cụ thể, Bộ KH-ĐT chịu trách nhiệm cấp giấy phép cho DN SX-KD phân bón; Bộ Công an thanh tra, kiểm tra, xử phạt về lĩnh vực môi trường, phòng chống cháy nổ và lĩnh vực kinh doanh; Bộ KHCN thanh kiểm tra, xử phạt về nhãn mác, bao bì, sở hữu trí tuệ; Bộ NN-PTNT thanh, kiểm tra về chất lượng, danh mục và các đơn vị SX phân hữu cơ, vi sinh, bón lá…; Bộ Công thương, trong đó chủ yếu là lực lượng Quản lí thị trường có quyền thanh, kiểm tra, xử lí mọi hoạt động liên quan đến SX-KD phân bón hiện nay, đặc biệt là phân vô cơ.

Nhờ 5 Bộ quản lí nên để tìm đơn vị thanh tra, xử phạt về phân bón thì rất dễ nhưng để tìm Bộ nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực trạng ngành phân bón hỗn loạn, mất kiểm soát lại không thấy có ai? Trong khi Nghị định 113 được sửa đổi từ năm 2010 vẫn chưa xong do tiếng nói giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chưa cùng một nhịp. Mãi vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải mới thống nhất giao Bộ Công thương làm đầu mối quản lí phân bón và chịu trách nhiệm cuối cùng. Nhưng trong vòng 3 năm đó, các DN phân bón “cuốc xẻng” đã lợi dụng triệt để kẽ hở chính sách để ra đời và làm mưa làm gió trên thị trường.

Việc có 5 Bộ quản lí phân bón cũng có cái tốt khi hạn chế được việc một Bộ nào đó vừa đá bóng vừa thổi còi, song cần phải phân định rạch ròi quyền hạn, trách hiệm của mỗi bên. Đằng này, Bộ nào cũng muốn thanh tra và xử phạt nên thực tế xảy ra chuyện bi hài, thanh tra Bộ này không công nhận kết quả thanh tra của Bộ khác. Các kết quả thanh tra đá nhau chan chát. Nếu thành lập đoàn liên ngành, nhiều đơn vị viện lí do không tham gia mà chủ yếu là đi thanh tra… độc lập nên nhiều khi các DN phân bón một ngày phải tiếp tới 3-4 đoàn thanh tra của các Bộ cũng là chuyện bình thường. Trong khi, mục đích thanh tra chưa chắc là để xử lí mà chủ yếu là xử phạt, xử phạt và xử phạt!? Chính vì vậy mới xảy ra điều lạ lùng là số lượng các vụ vi phạm về phân bón năm sau thường cao hơn năm trước!

Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã chỉ đích danh, hiện có hơn 100 cơ sở, tổ hợp cùng khoảng 30 công ty tổ chức sản xuất phân bón giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng để kiếm lợi, lừa người dân. Những loại phân bón này ngoài bao bì ghi mác nhập khẩu đẳng cấp quốc tế, sản phẩm cao cấp nhưng khi bị thu giữ, kiểm tra thì toàn là bột đá, đất sét, bột cao lanh... Hàm lượng dinh dưỡng không hơn... đất. Những DN kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng thậm chí công khai bằng những cuộc hội thảo được tổ chức hoành tráng để lừa nông dân. Để tạo niềm tin, họ biếu mỗi bà con túi mẫu phân bón dùng thử là phân thật, sau lại bán phân giả, thậm chí, một số đơn vị còn áp dụng chính sách khuyến mãi, mua 1 tấn phân bón tặng kèm một thùng bia…

Việc các DN sở hữu công nghệ “máy trộn bê tông”, nhưng đặt tên sản phẩm rất kêu, rất hoành tráng, nào nhập khẩu, chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế… có thể thấy nhan nhản trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, tình trạng đặt tên sản phẩm bằng con số diễn ra phổ biến như NPK cao cấp 16-16-8, nhưng bên dưới chú thích là N: 3% - P: 5% - K: 3%. Nghị định 191/2007/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 113 của Chính phủ quy định rất rõ việc đặt tên cho sản phẩm phân bón, theo đó không được đặt tên gây hiểu lầm với bản chất, công dụng của phân bón. Nếu chiếu theo quy định này, các loại NPK đặt tên bằng con số nhằm mục đích đánh lừa nông dân của các DN hoàn toàn có thể bị xử lí. Vậy, tại sao các loại phân bón đó vẫn đầy rẫy ngoài thị trường?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong quá khứ ngành phân bón của ta không đến nỗi hỗn loạn như hiện nay. Trước 2003, Bộ KHCN quản lí phân bón khá chặt, song chỉ đơn thuần là 3 loại gồm: phân hóa học, phân hữu cơ và phân vi sinh.

Sau, do Luật DN thay đổi cộng Nghị định 113 có nhiều kẽ hở nên các DN được phép tham gia SX-KD phân bón thuận lợi và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu phân bón ngày một lớn nên rất nhiều đơn vị nhảy vào thị trường phân bón và cho ra đời rất nhiều loại phân bón mới với tên gọi và công thức khác nhau, tương tự như sự bùng nổ của các loại thực phẩm chức năng trong ngành dược hiện nay.

Nguồn: