Theo các chuyên gia, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng để được khấu trừ thuế VAT đầu vào, qua đó, sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước.
Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam và không ngừng phát triển trong nhiều năm qua, đó là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta cần trên 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, nhu cầu phân urê 2,2 triệu tấn, phân SA 900 ngàn tấn, phân kali 960 ngàn tấn, phân DAP 900 ngàn tấn, phân NPK 4 triệu tấn và phân lân 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, năm 2022, mức giá mặt hàng phân bón ở mức cao khiến sức mua của người nông dân yếu, ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới công tác tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD; giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là urê, đã tăng khoảng 3-5 lần và liên tục tăng trong những năm qua. Một phần nguyên nhân là do phân bón ngoại nhập được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa.
Bên cạnh đó, Luật Thuế số 71/2014/QH13 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào không được khấu trừ mà nền nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuỳ Dương - Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc Dân cho rằng, mặt hàng phân bón đưa vào đối tượng không chịu thuế lại có nhiều bất cập. Thứ nhất, Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT. Khi xuất khẩu phân bón vào Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu này được hoàn thuế GTGT đầu vào. Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Thứ hai, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế GTGT ở khâu nhập khẩu với phân bón trong khi thuế nhập khẩu thì vốn rất thấp hoặc đã được đưa về mức 0%.
Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn. Khi mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT thì đương nhiên, doanh nghiệp không được khấu trừ VAT đầu vào khi bán ra trong nước trong khi phần lớn đầu vào có thuế suất 10%. Số VAT đầu vào không được khấu trừ, doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất dẫn đến chi phí tăng cao, biên lợi nhuận giảm, không khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng đổi mới TSCĐ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chuyển hướng sang xuất khẩu vì xuất khẩu vẫn được hoàn thuế GTGT do có thuế suất VAT 0% làm cho cung về phân bón giảm, càng làm tăng giá bán phân bón tại thị trường trong nước.
Thứ tư, mục tiêu ban đầu giảm giá phân bón để hỗ trợ nông dân không đạt được. Nông dân vẫn phải mua phân bón với giá cao do các nhà sản xuất trong nước đã đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành sản phẩm.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Ánh cho hay, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đưa đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước do toàn bộ thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, nguyên liệu và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ vào giá thành sản phẩm mà phải tính vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành phân bón, dẫn đến ảnh hưởng cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trực tiếp, cụ thể là nông dân Việt Nam; giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập khẩu, ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón trong nước.
Nếu chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, thì nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội, góp phần tăng ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón, đặc biệt là nông dân sẽ được mua các sản phẩm phân bón thấp hơn, giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Từ các cơ sở phân tích, theo TS. Nguyễn Đình Ánh, để góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón. Kiến nghị các Bộ ngành có liên quan xem xét sớm sửa đổi, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.