Hiện, Bộ NN-PTNT đã xây dựng xong Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 202 về quản lí phân bón, đang trong quá trình chờ Chính phủ phê duyệt.
Qua dự thảo lần này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm mới đúng, trúng và phù hợp với thực tế nội tại ngành phân bón tại Việt Nam hiện nay.
Vừa mở vừa "rào"
Do Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón năm 2013 ra đời trong sự kỳ vọng của dư luận bao nhiêu lại gây thất vọng bấy nhiêu nên Nghị định lần này do Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) chủ trì sửa đổi, soạn thảo chịu rất nhiều áp lực về thời gian, dư luận lẫn sự mệt mỏi, nghi ngờ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ dự thảo Nghị định thay thế 202 chúng tôi thấy có rất nhiều điểm mới, tích cực đáng ghi nhận. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi giữa việc quản lý theo tiêu chuẩn quy chuẩn hay danh mục, nhưng trong bối cảnh hạn chế về thời gian (nhận nhiệm vụ tháng 3/2017 và phải xong Nghị định tháng 6/2017) cũng như chưa có tiêu chuẩn quy chuẩn đồng bộ như hiện tại, việc áp dụng linh hoạt cả quy chuẩn tiêu chuẩn lẫn danh mục của Cục BVTV là phương án khá hợp lý.
Theo đó, nếu sản phẩm nào có tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia rồi ưu tiên áp dụng theo tiêu chuẩn quy chuẩn, còn đối với những sản phẩm chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phải được quản lý theo danh mục. Tránh trường hợp như Nghị định 202 vừa qua, mặc dù quy định phân bón phải hợp chuẩn hợp quy và quản lý theo tiêu chuẩn quy chuẩn, song lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho từng loại phân bón dẫn tới lúng túng, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, thanh tra, giám sát.
Điểm ghi nhận tiếp theo chính là việc tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho doanh nghiệp. Nghị định mới quy định toàn bộ các sản phẩm phân đơn (đạm, lân, kali), phân phức hợp (DAP, MOP, MAP), phân NPK có tổng hàm lượng dinh dưỡng trên 18% đã phổ biến sẽ không phải khảo kiểm nghiệm (trừ các sản phẩm có công thức mới, bổ sung chất mới cũng như áp dụng trên các loại cây trồng mới bắt buộc phải khảo kiểm nghiệm).
Kiểm soát cả bao bì sản phẩm
Điểm rất mới ở Nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 202 lần này là Cục BVTV sẽ trực tiếp cùng hội đồng khoa học ngoài việc thẩm định kết quả các mẫu phân bón khảo kiểm nghiệm sẽ duyệt luôn cả bao bì, tên gọi, công thức, cách hướng dẫn sử dụng phân bón trước khi đưa vào danh mục lưu hành.
Sau đó, các tên gọi, công thức này sẽ được công khai trên hệ thống công thông tin điện tử để các cơ quan chức năng khi thanh, kiểm tra có thể tra cứu, đối chiếu xử lý. Như vậy, quy định này sẽ chấm dứt việc doanh nghiệp sử dụng công thức một đằng, song bao bì, tên gọi một nẻo kiểu lập lờ đánh lừa bà con nông dân.
Một quy định khác mang tính chất hàng rào kỹ thuật hiện nay là các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng sẽ phải khảo, kiểm nghiệm. Tuy nhiên, để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các đơn vị nhập khẩu được phép lưu kho tại chính kho của của mình trong thời gian chờ mẫu phân bón được cấp phép cho lưu hành ra thị trường. Thời gian lấy mẫu, phân tích, thông quan được thực hiện nhanh chóng theo cơ chế hải quan một cửa quốc gia nên không gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Thêm quy định mới được đưa vào trong nghị định lần này đó là các cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón cần phải đủ điều kiện. Việc này sẽ có đơn vị được giao nhiệm vụ tập huấn, phổ biến và cấp phép cho các đại lý vật tư nông nghiệp. Việc cấp phép được thực hiện duy nhất 1 lần để không gây khó khăn cho người dân, sau đó các cơ quan chức năng chỉ tiến hành thanh, kiểm tra và hậu kiểm.
Bên cạnh đó, các sản phẩm phân hữu cơ đơn, phân hữu cơ truyền thống không sử dụng vì mục đích thương mại cũng không phải khảo kiểm nghiệm nhằm khuyến khích tối đa việc phát triển nông sản hữu cơ tại Việt Nam. Ngược lại, các sản phẩm hưu cơ khoáng, khoáng hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân trung, vi lượng… bắt buộc phải khảo kiểm nghiệm. Thực tế chứng minh, trên thị trường các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tập trung chủ yếu ở nhóm này.
Nguồn: Nongnghiep.vn