Bộ NN&PTNT đã rà soát, loại 600 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có gốc độc cao, không cần thiết trong số 4.000 thuốc đang có mặt trên thị trường.
Giải trình các nội dung phát biểu của ĐBQH trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 5/6 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện giám sát trong 8 tháng, Đoàn giám sát đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ: Đã giám sát 1/3 số tỉnh, 210 cơ sở thuộc 8 ngành sản xuất kinh doanh liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Đoàn giám sát đã làm việc rất tích cực, đi sâu đi sát vừa tổ chức giám sát theo kế hoạch vừa đột xuất. Cách xây dựng kế hoạch giám sát cũng rất công phu dân chủ, nên kết quả thu được khá sát với tình hình thực tiễn.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, báo cáo giám sát đã chỉ ra 8 kết quả, 9 tồn tại. Bộ trưởng nhận định, việc báo cáo của Đoàn giám sát đưa ra 9 nhóm tồn tại trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho thấy tồn tại nhiều hơn kết quả đạt được. Điều này cho thấy rõ trách nhiệm quản lý từ cơ quan trung ương, cấp bộ ngành, tới cấp tỉnh, doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất… Với Bộ NN&PTNT – một trong những đơn vị tham gia trực tiếp quản lý, bản thân lãnh đạo Bộ từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến các đơn vị tiếp thu ngay những vấn đề bất cập của ngành và sẽ tập trung chỉnh sửa ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ví dụ: Vật tư đầu vào là một nội dung quản lý của Bộ NN&PTNT, trong đó có một số vấn đề nhức nhối như thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất đưa vào chuỗi sản xuất. Riêng về thuốc bảo vệ thực vật, hiện chúng ta đang có 4.000 tên thuốc là quá nhiều. Do vậy, trong 8 tháng vừa qua, Bộ đã rà soát loại 600 sản phẩm không cần thiết đưa vào có gốc độc rất cao, dù trên thế giới còn nhiều nước dùng nhưng chúng ta vẫn kiên quyết loại ra. Bên cạnh đó, Bộ đã rà soát, kiểm tra hệ thống phân phối, tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng các loại thuốc này.
“Cho đến nay tổng số đã loại được 600 sản phẩm và thời gian tới còn phải siết nữa. Bên cạnh chuyện đó là củng cố lại, kiểm tra, rà soát để hệ thống phân phối, công tác thông tin để người dân hạn chế sử dụng thuốc này, sử dụng đúng lúc, đúng cách để góp phần giảm độc hại từ đầu vào”, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết.
Về phân bón hiện là vấn đề bức xúc, mỗi năm chúng ta dùng từ 8-10 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi tỷ lệ phân hữu cơ rất ít. “Chính phủ đã quyết định chuyển phân bón sang Bộ NN&PTNT quản lý toàn bộ. Trong quý III năm nay, Bộ sẽ trình Nghị định quản lý phân bón, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho trình một nghị định về xử phạt nghiêm minh trong quản lý phân bón. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang rất tích cực theo hướng dần từng bước đẩy nhanh tiêu thụ, sử dụng phân hữu cơ./.
Nguồn: vov.vn