"/>"/>

Năm chật vật của DN kinh doanh phân bón

08:47 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Mười Hai, 2013

Giá phân bón thế giới giảm sâu kỉ lục, giá nông sản rớt thê thảm khiến nhu cầu phân bón sụt giảm theo… Năm 2013 với các DN kinh doanh phân bón trong nước là một năm đầy khó khăn, chật vật.

NHẬP KHẨU “GẶP HẠN”

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng từ đầu năm đến nay cho thấy, chưa năm nào giá các loại phân bón xuống sâu như 2013, đặc biệt là sản phẩm urê, kali và DAP. Có thời điểm, giá urê Trung Quốc chào bán tại các cửa khẩu của nước ta chưa đến 7 triệu đồng/tấn, giá kali có thời điểm chỉ còn 325 USD/tấn và DAP vốn trước đây luôn là sản phẩm có giá bán cao nhất trong nước, song cũng không là ngoại lệ bởi một thời gian dài ở ngưỡng trên dưới 8.000 đồng/kg.

Là một DN kinh doanh XNK phân bón lớn nhất nhì nước, song năm 2013 với Cty CP XNK Hà Anh (Hà Nội) nhiều phen xây xẩm mặt mày vì giá kali thế giới lao dốc không phanh. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tiêu - Chủ tịch HĐQT Cty Hà Anh chia sẻ: Theo kế hoạch, năm 2013 đơn vị sẽ NK 100.000 tấn kali.

Tuy nhiên, có 2 lô khoảng 50.000 tấn sau khi vừa nhập về Việt Nam giá kali thế giới bất ngờ giảm mạnh, tàu sau luôn thấp hơn tàu trước, có thời điểm chỉ còn trên 300 USD/tấn khiến công ty thiệt hại rất lớn. Rất may, nhờ là khách hàng lâu năm nên đối tác nước ngoài chấp nhận đàm phán lại giá, song qua 2 vụ này Cty CP XNK Hà Anh cũng thiệt hại ngót nghét trăm tỉ đồng. Bà Tiêu cho biết, năm nay lợi nhuận của công ty chắc chắn giảm mạnh, mặc dù tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa nhưng con số 20 tỉ đồng đặt ra khó đạt được.

Là DN kinh doanh, XNK phân bón lớn tại khu vực miền Trung Tây Nguyên, TGĐ Cty CP Vật tư nông nghiệp 2 Đà Nẵng (Danacam), ông Trang Hòa rầu rĩ than thở, chưa năm nào kinh doanh XNK phân bón khó khăn như 2013. Điều đó thể hiện ngay ở sản lượng và doanh thu của Danacam năm 2013 giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ các năm trước.

Với kết quả kinh doanh ảm đạm như vậy, TGĐ Trang Hòa thừa nhận, năm nay Danacam bảo toàn được vốn đã là một may mắn lớn rồi. Có vẻ, càng vào khu vực phía Nam, các DN kinh doanh XNK phân bón càng khó khăn hơn. Theo chia sẻ của các DN phân bón trong nước, 2013 cũng là năm hoạt động SX-KD không thành công với Cty CP Vanacam và Cty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ.

Nhìn vào hoạt động SX-KD của các DN phân bón trong năm 2013 có thể thấy, các DN SX phân lân và NPK là vẫn duy trì được sự ổn định và giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, nổi lên vẫn là các DN có thương hiệu lâu năm như: Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Cty CP Phân bón Bình Điền, Cty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cty Phân lân Ninh Bình… Chỉ có Nhà máy DAP Đình Vũ là gặp khó khăn lớn khi không đạt sản lượng 320.000 tấn đề ra, lợi nhuận gần như không có khi đơn vị này phải chật vật cạnh tranh với DAP nhập khẩu (NK), đặc biệt là DAP giá rẻ từ Trung Quốc.

Về phân đạm, các DN lớn như Phú Mỹ, Hà Bắc, Cà Mau cơ bản duy trì được sản lượng và doanh thu. Tuy nhiên, Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình lâm cảnh khó khăn chồng chất khi nhà máy đi vào hoạt động đúng thời điểm giá urê xuống thấp, sản phẩm lại chưa có thương hiệu nên lượng tồn kho hiện rất lớn, trong khi vốn đầu tư của Nhà máy Đạm Ninh Bình lên tới trên 700 triệu USD.

2014 CÒN KHÓ KHĂN HƠN

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (IFA), trước diễn biến của thị trường phân bón trong năm 2013, Hiệp hội Phân bón VN dự báo, sang năm 2014 tuy không có biến động gì lớn về giá cả, song các DN SX phân bón trong nước sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều vì hiện Mỹ đã xây dựng nhà máy urê mới tại Dakota và mở rộng nhà máy sản xuất urê Solagan với tổng công suất hai nhà máy lên 1,6 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bón urê hợp tác giữa Sonartach OCI và Sorfert Algeria có sản phẩm 1,3 triệu tấn/năm.

Nhiều nhà máy ở Bắc Phi và Trung Đông thay thế một loạt công nghệ mới và mở rộng năng suất thêm 2 triệu tấn. Do hiệu quả của công nghệ mới nên giá urê ở hai khu vực này dự kiến sẽ rẻ hơn từ 70 - 120 USD/tấn so với các loại urê sản xuất bằng công nghệ cũ. Trong khi đó, tại Việt Nam, Nhà máy Đạm Hà Bắc tăng thêm công suất 320.000 tấn. Như vậy, cuối năm 2014 sản lượng urê SX trong nước của ta dư thừa trên 500.000 tấn.

“Với phân kali và DAP, năng lực sản xuất kali toàn cầu đang phát triển mạnh ở các nước Canada, Nga, Belarus, Argentina, Trung Quốc, Jordan, Lào. Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón Quốc tế - IFA, đến 2014 sản lượng tăng thêm 14 triệu tấn/năm.

Các công ty Saudi Aribia (Manden), Legg Mason Hoa Kỳ và Tập đoàn công nghiệp Saudi đã hợp đồng xây dựng khu liên hợp phosphat (lân DAP) lớn nhất thế giới với chi phí 7 tỷ USD, với công suất giai đoạn một đạt 3,8 - 4 triệu tấn/năm 2014. Tại Trung Quốc, nước này vừa khánh thành thêm 2 nhà máy DAP với công suất lên tới 2 triệu tấn/năm nên áp lực DAP NK với Cty DAP Đình Vũ (Hải Phòng) năm 2014 còn lớn hơn 2013 rất nhiều”, ông Thúy cảnh báo.

Một vấn đề nữa được ông Thúy nhấn mạnh, đó là thế giới có xu thế tăng cường sử dụng phân bón NPK khoáng thiên nhiên và phân hữu cơ chất lượng cao thay thế dần dần phân hóa học đang phát triển mạnh như công nghệ hitech, công nghệ nano, công nghệ tháp cao, công nghệ emzyme, công nghệ sinh học, công nghệ phân tử nên giá thành sản phẩm các loại phân bón này rất rẻ, sẽ kéo theo các loại phân hóa học khác giảm giá thành đáng kể. Do đó, các sản phẩm phân bón hóa học độc hại, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và môi trường tại Việt Nam về lâu dài nếu không cải tiến và đổi mới công nghệ sẽ bị mất thị phần, thậm chí có nguy cơ phải đóng cửa.

Qua đó, Hiệp hội Phân bón VN đề nghị, tái cơ cấu lại thị trường phân bón, bởi hệ thống cung ứng hiện nay quá chồng chéo, nhiều cầu cấp, đội giá thành gây thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, phải kiện toàn thắt chặt mạnh chất lượng phân bón và hệ thống sản xuất NPK vì hệ thống sản xuất loại phân này đâu đâu cũng có, có ngay trong các cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón…

Các bộ, ngành, các tỉnh, thành tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho các lực lượng công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp… nắm chắc Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón mới ban hành, am hiểu các văn bản pháp luật về vi phạm và xử lý phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn mác.

+ Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, ngày 27/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón thay thế cho Nghị định 113 và Nghị định 191 sửa đổi. Việc ra đời Nghị định mới này được hứa hẹn sẽ đủ kín kẽ, pháp lí, cơ bản kiểm soát được ngành phân bón.
Hiện nay, Bộ Công thương đang gấp rút soạn thảo Thông tư hướng dẫn và Quy định xử phạt về lĩnh vực phân bón, dự kiến khoảng giữa năm 2014 sẽ có thể tiến hành áp dụng. Như vậy, các DN phân bón và nông dân vẫn phải chờ ít nhất 6 tháng nữa mới “thẩm định” được Nghị định rất được trông đợi này phát huy hiệu quả tới đâu.

+ “Nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty cộng việc đi trước đón đầu, san sẻ lượng urê cho hệ thống khách hàng tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL và những đối tác nước ngoài từ 3 năm trước nên mặc dù nằm sát thị trường urê Trung Quốc, nhưng năm 2013 Cty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vẫn cơ bản đảm bảo kế hoạch SX-KD mà Vinachem giao phó cũng như sẵn sàng khâu thị trường tiêu thụ bởi cuối năm 2014, công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc sẽ nâng lên trên 500.000 tấn/năm”, ông Nguyễn Đức Ninh - PTGĐ Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chia sẻ.

Nguồn: