Về Khai thác than sạch, tháng 7 bị ảnh hưởng do thời tiết khu vực Miền Bắc đã bước vào mùa mưa, ước đạt 3,44 triệu tấn, giảm 4,6% so với tháng 6 và giảm 10,6% so với tháng 7/2009. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng/ 2010 ước đạt 25,3 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Sản lượng than nguyên khai ở nhiều đơn vị khai thác chiếm tỷ trọng lớn của ngành giảm so với cùng kỳ. Khối lượng bóc đất đá để gia tăng trữ lượng ước đạt 123,3 triệu m3, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Mét đào lò mới 187,1 nghìn mét, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Mặc dù sản lượng khai thác giảm nhưng sản lượng tiêu thụ than cho các hộ trong nước lại tăng, ước đạt 13,2 triệu tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do cung cấp cho hộ điện và xi măng tăng cao: hộ điện ước 4,96 triệu tấn, tăng 36,8%; hộ xi măng ước 2,9 triệu tấn, tăng 34,8%, các hộ còn lại đều giảm so với cùng kỳ. Lượng tồn kho than thành phẩm giảm dần, chỉ còn khoảng 4,8 triệu tấn, trong đó, than tiêu chuẩn cơ sở là 2,2 triệu tấn.
Khai thác và tiêu thụ một số khoáng sản chủ yếu tăng cao như kẽm thỏi, thiếc thỏi, đồng tấm, quặng sắt, tinh quặng sắt, gang đúc,… Tuy nhiên, do giá xuất khẩu giảm nên kim ngạch xuất khẩu không tăng nhiều. Tình trạng điện áp tăng giảm thất thường đã có ảnh hưởng làm tăng sản phẩm dở dang và tăng chi phí sản xuất.
Về Sản xuất thép, tháng 7 ước đạt 0,5 triệu tấn, tăng 9,6% so với tháng 7/2009; tính chung 7 tháng ước đạt 3,1 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Thời tiết nắng nóng miền Bắc và mùa mưa miền Nam đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng nên tiêu thụ thép giảm. Mặt khác, giá phôi thép trên thị trường thế giới bắt đầu tăng khoảng 50 USD/tấn đã làm cho giá thép trong nước tăng trở lại từ 0,6 - 0,7 triệu đồng/tấn (giá thép bán lẻ tăng lên ở mức 13,9 triệu đồng/tấn thép cây và 14,0 triệu đồng/tấn thép cuộn).
Dự báo trong thời gian tới, giá thép thế giới có thể sẽ tăng do ảnh hưởng từ việc tăng thuế xuất khẩu lên 20% của Ấn Độ để hạn chế nguồn tài nguyên sử dụng trong nước. Hiện nay, các hợp đồng mua quặng sắt của các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ ký theo tháng hoặc tuần bởi những biến động khó lường trên thị trường.
Về Sản xuất phân bón tháng 7 tiếp tục giảm nhẹ: phân urê ước đạt 84,1 nghìn tấn, phân lân ước đạt 115 nghìn tấn (trong đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ước đạt 110 nghìn tấn); tính chung 7 tháng so với cùng kỳ, phân urê giảm 1,4% (ước đạt 566 nghìn tấn), phân lân tăng 0,8%, phân NPK giảm 4,9%. Riêng phân DAP ước đạt 75,5 ngàn tấn, chỉ bằng 29,1% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng đầu năm giảm mạnh (40 - 47%) so với cùng kỳ một phần do nguồn cung trong nước tương đối dồi dào trong khi nhu cầu lại chưa tăng.
Trong tháng 7, sản phẩm hóa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là hạt nhựa polypropylen được sản xuất từ nguồn nguyên liệu khí hóa lỏng propylen. Sản phẩm này sẽ được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô, xây dựng, điện, chế biến bao bì, sợi và các vật dụng phục vụ đời sống. Đây là đóng góp quan trọng trong ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam.
Về Sản xuất các sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, tháng 7 tương đối ổn định. Một số sản phẩm phục vụ nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao như: máy xay sát lúa gạo, máy sấy nông sản, máy cắt lúa gặt đập liên hợp,.... Tính chung 7 tháng đầu năm, một số sản phẩm tăng mạnh như máy phun thuốc trừ sâu tăng 60,14%, lắp ráp ô tô tăng từ 23,7%, lắp ráp xe máy tăng 21,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm cơ khí chậm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng tiếp theo.
Sản phẩm điện tử, điện lạnh vào mùa tiêu thụ cùng với nhiều chương trình khuyến mại mùa hè đã tác động mạnh đến sản xuất: sản lượng máy điều hoà 7 tháng ước đạt 441 nghìn chiếc, tăng 12,3%, tủ lạnh tủ đá ước đạt 927 nghìn chiếc, tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng đã diễn ra Triển lãm và Hội nghị Quốc tế lần thứ 7 về Máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại là cơ hội tốt để ngành cơ khí tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ mới của thế giới, nắm bắt được xu thế phát triển của ngành và mở rộng cơ hội giao thương với các nước trên thế giới.