Người dân, doanh nghiệp 'than trời' vì giá điện

08:41 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Mười Hai, 2011

Khi người dân đang lo lắng về một cái Tết eo hẹp vì lương thưởng thấp, giá cả tăng vù vù, doanh nghiệp dịp cuối năm khó khăn chồng chất, thì việc ngành điện thông báo tăng giá như một cú sốc giáng lên mọi người.

Sau 1 thời gian ngắn "im hơi lặng tiếng", bắt đầu từ hôm nay (20/12), giá điện bình quân sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 5% so với giá bán hiện hành. Theo đó, giá bán điện bình quân mới là 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân cũ.

Đây là lần đầu tiên giá điện tăng ngay trước Tết Nguyên Đán, là thời điểm giá cả hàng hóa, chi phí sản xuất, tiêu dùng đều tăng cao, khiến người dân và doanh nghiệp chịu nhiều sức ép.

Chị Minh ở Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội) than phiền, nhà chị cả đại gia đình sống cùng một nhà, chưa tách hộ khẩu, hàng tháng dùng khoảng 700 - 800 số điện. Với giá mới, tính ra mỗi tháng tiền điện sẽ đội lên trên dưới 50.000 đồng. “Nói là không đáng mấy, song năm nay mọi người đều than lương thưởng thấp, giá cả tăng mạnh thì việc giá điện tăng cũng khiến chúng tôi ăn Tết không vui. Hơn nữa, tôi sợ nhất là điện tăng thời điểm này sẽ khiến giá cả dịp Tết càng được cơ hội “té nước theo mưa”, chỉ khổ người dân”, chị Minh nói.

Đối với các doanh nghiệp, việc tăng giá điện thời điểm này thực sự là một cú sốc, khi khó khăn chồng chất khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, Giám đốc phụ trách sản xuất, Nhà máy ô tô Huyndai Việt Nam, Tập đoàn Thành Công, cho hay, việc tăng giá điện tuy không nhiều nhưng cũng ảnh hưởng đáng kể tới chi phí sản xuất xe. Nhà máy mới đi vào vận hành chưa được 1 năm nhưng đã 2 lần chịu tác động từ việc tăng giá điện với tổng mức tăng quá lớn, hơn 20% (lần đầu là tháng 3/2011 giá điện tăng hơn 15%). Trong khi đó, cuối năm nay thị trường xe hơi chịu nhiều sức ép từ việc tăng kịch trần lệ phí trước bạ, phí đăng ký và cấp biển số, ngân hàng siết chặt cho vay…

Một đại diện của Công ty phân bón Bình Điền cho hay, trước mắt việc giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất phân bón tăng từ 1 đến 2%. Tuy nhiên đây mới chỉ là ảnh hưởng trực tiếp, còn ảnh hưởng gián tiếp chưa tính được. Bởi các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào có thể tăng giá bất cứ lúc nào dựa vào lý do giá điện tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho hay, giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất xi măng tăng từ 1,5% đến 2%. Lần điều chỉnh giá điện trước đó (hồi đầu tháng 3), giá điện tăng trên 15% đã khiến giá thành sản xuất xi măng tăng gần 10%, một mức tăng khá lớn. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng năm nay cũng leo thang, trong khi thị trường bất động sản trầm lắng, khiến ngành xi măng liên tiếp gặp khó khăn, tiêu thụ sụt giảm. Việc nhà điện bất ngờ thông báo nâng giá điện thêm 5% như “giọt nước tràn ly” gây sức ép nặng nề cho doanh nghiệp.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi, ngành thép đang phải chịu sức ép rất lớn về tiêu thụ sản phẩm. Nếu giá điện tăng thêm 62 đồng/kWh thì mỗi tấn phôi thép sẽ tăng giá thành thêm vài chục nghìn đồng. Trong khi doanh nghiệp đang phải hạ giá thành thép để thúc đẩy tiêu thụ thì đây là một vấn đề khá bức bách.

Việc tăng giá điện lần này cũng được các chuyên gia nhận định sẽ tác động không nhỏ tới CPI và tình hình lạm phát, trong khi mức lạm phát dự báo cả năm 2011 đang ở con số rất cao, 18%.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết, hiện đã qua thời điểm Tổng cục Thống kê lấy số liệu tính CPI tháng 12 (15/12), nên việc EVN quyết định tăng giá điện từ 20/12 không ảnh hưởng tới lạm phát năm 2011. Tuy nhiên, trong quý 1/2012, chỉ số CPI chắc chắn bị đội lên bởi giá điện tăng. Hiện giá điện chiếm 3% trong tổng CPI. Nhưng đó mới chỉ là tác động trực tiếp, còn tác động gián tiếp thì phụ thuộc vào việc giá cả các hàng hóa trong rổ tính CPI tăng như thế nào. Bên cạnh đó, thời điểm cận Tết, hàng hóa dịch vụ thường leo thang và việc này cũng góp phần làm tăng CPI quý 1/2012. Như vậy, có thể thấy nhãn tiền sức ép lên CPI các tháng đầu năm sau là rất lớn. Và việc ngành điện chọn thời điểm tăng giá dịp cận Tết là không hợp lý.

Nguồn: