Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2013

01:20 CH @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười Hai, 2013
Một số nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng này...


(Theo Quyết định 63/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ)

Giảm thuế xuất khẩu mặt hàng cao su, bổ sung quy định lệ phí trước bạ với ô tô biển số nước ngoài, nhiều ưu đãi trong đào tạo nhân lực cho năng lượng nguyên tử, quy định rõ lộ trình phát triển thị trường điện lực… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2013.

Theo Nghị định 124/2013 vừa được Chính phủ ban hành, quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thì từ 1/12/2013 người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ được miễn học phí và ở kí túc xá miễn phí; được cấp sinh hoạt phí hằng tháng.

Người được hưởng các ưu đãi trên phải đáp ứng đủ 4 điều kiện; phải là công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tuyển chọn đi đào tạo, bồi dưỡng; Có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tinh thần trách nhiệm cao; Có đủ sức khỏe để tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Trong lĩnh vực điện lực, Theo Quyết định 63/2013 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ 25/12/2013, quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ.

Cụ thể, cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh và yêu cầu tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

Cấp độ 2 là thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Liên quan đến việc xuất khẩu mặt hàng cao su, Thông tư 157/2013 áp dụng từ 26/12/2013, quy định thuế suất thuế xuất khẩu một số mặt hàng cao su trong biểu thuế xuất khẩu ưu đãi như mủ cao su tự nhiên, crếp, nhựa két, nhựa cây balata... được giảm từ 3% xuống còn 1%.

Thuế xuất khẩu mặt hàng cao su tổng hợp thuộc nhóm cao su tổng hợp và các chất thay thế cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ của nhóm 40.01 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.02) được giảm từ 5% còn 1%.

Mặt hàng cao su hỗn hợp, chưa lưu hóa, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dải (mã 40.05) cũng được giảm thuế suất từ 3% còn 1%.

Trong lĩnh vực xử phạt hành chính, theo Nghị định 167/2013 có hiệu lực từ 28/12/2013, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.

Theo Thông tư 140/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2013 hướng dẫn về lệ phí trước bạ, đối với các loại xe ô tô biển số ngoại giao, biển số nước ngoài và biển số quốc tế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng làm thủ tục kê khai, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo quy định và nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu (từ 10-15%) theo quy định của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các loại xe ô tô biển số nước ngoài mà chủ xe là người nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 điều 4 Nghị định 45/2011, khi đăng kí quyền sở hữu, sử dụng chủ tài sản đã kê khai và nộp lệ phí trước bạ theo mức thu lần đầu. Nay người nước ngoài chuyển nhượng lại tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phải kê khai nộp lệ phí trước bạ khi đăng kí quyền sở hữu, sử dụng theo mức thu 2%.

Thông tư 140 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013.

Quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học sau khi đến tuổi nghỉ hưu áp dụng với trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm cũng có hiệu lực từ 10/12/2013.

Ngoài ra, một số quy định về hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo, xử phạt dạy thêm khi chưa được cấp phép, kí quỹ xuất khẩu lao động... cũng sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2013.



Nguồn: