Từ 1.8, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như quy định mới về xử lý vi phạm giao thông, điều chỉnh lương hưu, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Dưới đây là một số chính sách đáng chú ý sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8.2016:
Từ 1.8, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1.8, mức phạt sẽ tăng đối một số hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông như không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, vượt quá nồng độ cồn, chạy quá tốc tộ, vi phạm trên cao tốc…
Nghị định 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt với lỗi vượt đèn vàng, đèn đỏ đều tăng và tương đương nhau. Cụ thể, với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng và đèn đỏ) người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự bị phạt 1.200.000 - 2.000.000 đồng; người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự bị phạt tiền 300.000 - 400.000; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ bị phạt tiền 60.000 - 80.000 đồng.
Viện phí tăng, 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh
Bắt đầu từ 1.8, viện phí tiếp tục tăng theo lộ trình và bao gồm cả chi phí lương của bác sĩ. Trước đó, theo dự kiến ban đầu của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế, giá viện phí sẽ đồng loạt tăng từ 1.7, nhưng sau khi bàn bạc, thời gian tăng viện phí đã lùi lại tới ngày 1.8.
Lần tăng viện phí này sẽ áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế cao từ 90 - 95%. Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế cũng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.
Điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu
Theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng, từ 1.8, một số đối tượng có thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng giai đoạn từ ngày 1.1.2015 đến trước 1.5.2016 sẽ được điều chỉnh tăng 8% mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Cụ thể các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp. Riêng các đối tượng đã được điều chỉnh tăng 8% theo Nghị định 09/2015/NĐ-CP thì giữ nguyên mức hưởng.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính đã quy định, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ giải quyết trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép theo quy định.
Phạt người xuất cảnh khai sai số vàng mang theo vượt mức 5 triệu
Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh tương đương từ 5 - 30 triệu đồng.
Quy định trước đây, chỉ khi mang theo tiền, vàng vượt mức quy định từ 10 - 30 triệu đồng mới bị áp dụng mức phạt này.
Phạt 4 triệu đồng nếu doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi chưa đủ điều kiện
Theo quy định mới tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ là 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng (mức phạt cũ là 2 - 4 triệu).
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Bổ sung công việc phải tuân thủ nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động
Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành bổ sung một số công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới. Cụ thể:
- Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên;
- Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền;
- Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa;
- Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz.