Riêng trong tháng 8/2011, Tổng công ty đã ký hợp đồng nhập khẩu hơn 40.000 tấn phân bón các loại (chủ yếu là phân đạm), đồng thời duy trì nguồn hàng dự trữ tối thiểu là 70.000 tấn tại các kho trung chuyển để kịp thời cung ứng hàng ra thị trường.
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, với năng lực sản xuất gần 1 triệu tấn phân đạm, trong đó Nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn, Công ty Phân đạm Hà Bắc 180.000 tấn, tổng nguồn cung phân đạm trong nước mới đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường.
Cuối năm nay, dự kiến sẽ có thêm 2 nhà máy sản xuất phân đạm nữa đi vào hoạt động là Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà máy phân đạm sản xuất từ than cám tại Ninh Bình 560.000 tấn/năm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Tổng nguồn cung theo thiết kế khi các nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đạt cỡ 2,34 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 2 triệu tấn.
Tuy nhiên tính đến thời điểm này, tổng lượng các loại phân bón hóa học sản xuất trong nước đạt khoảng 6,2 triệu tấn, mới đáp ứng được 68% nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Hiện giá các loại phân bón tăng cao, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết chủ yếu là do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Việc các nước tăng lượng phân bón dự trữ và Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu khiến giá phân bón tăng cao.
Ông Thúy cũng cho hay ở thị trường trong nước không thiếu hàng.
Trong khi đó ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lý giải thêm từ 15/8, giá bán than cho hóa chất tăng 15%, nên Tập đoàn buộc phải tăng giá bán phân đạm (urê) lên 15% và phân lân nung chảy tăng 5% để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất.
Trước diễn biến của giá phân bón tăng, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì sản lượng ở mức cao nhất để cung ứng tối đa sản phẩm đến tay bà con nông dân, đồng thời tích cực tìm nguồn hàng nhập khẩu đảm bảo chất lượng, có giá tốt nhất để bổ sung cho nguồn cung trong nước.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phối hợp tổ chức một hội nghị bàn về giải pháp ổn định thị trường phân bón.