Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện 1 tấn phân bón kém chất lượng
tại cửa hàng ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa
Hôm nay (12.10), Hội nghị toàn quốc phòng, chống phân bón giả được tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, thông tin được đưa ra tại một diễn đàn phòng, chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra tại Thanh Hóa hôm 9.10 đã khiến không ít đại biểu giật mình: “Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hiện nay lẽ ra phải dùng bột mì để làm chất kết dính phân bón thì đã dùng đất sét, bột đá. Người nông dân khi mua những sản phẩm này về bón cho lúa không những làm cho vụ lúa ấy mất mùa mà nguy hiểm hơn, đồng ruộng sẽ bị bêtông hóa”. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại 2 tỉ USD vì nạn phân bón giả.
Những vụ vi phạm “động trời”
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, qua điều tra, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm rõ rệt, nhưng được “chống lưng” và có hiện tượng “lợi ích nhóm”. Cụ thể, tháng 4.2015, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (BCĐ 389) kiểm tra Cty CP sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong (gọi tắt là Cty Thuận Phong) giả mạo sản xuất phân bón USA, nhưng khi kiểm tra, phát hiện thiết bị máy móc chỉ là… chai lọ. Để qua mắt các cơ quan chức năng, các Cty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác đều áp dụng nhiều trò tinh vi để “qua mặt” cơ quan chức năng. Phải mất rất nhiều thời gian điều tra, bố trí người thăm dò, trà trộn, các cơ quan chuyên ngành mới bắt được. Cụ thể, Cty CP Quốc tế Đông Trung 2 lần bị kiểm tra đều “thoát hiểm”, chỉ đến lần thứ 3 mới bị phát hiện và bị khởi tố, bị can Phạm Quang Trung - nguyên Giám đốc Cty - phải cúi đầu nhận tội với mức án 36 tháng tù giam và bị phạt tiền 1,642 tỉ đồng.
Trước đó, Cty Tân Trường Sinh sản xuất phân bón giả cũng bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Sau đó, Viện KSND Tối cao cũng có quyết định chuyển vụ án hình sự để điều tra. Nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền đã làm ngơ, gây phẫn nộ trong dư luận. Rồi nhiều vụ vi phạm khác như: Vụ Cty TNHH SXTM Vân Điền (TPHCM) có dấu hiệu nhái nhãn mác Cty CP phân lân Văn Điển và hàm lượng không đúng với quy định, nhưng đến nay, qua 5 tháng, vụ việc vẫn đang “án binh bất động” và lượng phân bón bị bắt giữ đang có dấu hiệu được tẩu tán.
Công nghệ “cuốc, xẻng, xe trộn bêtông”
Cũng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, nhiều đơn vị sản xuất phân bón trong nước đã thổi phồng sự thật, đưa chất lượng công nghệ… lên trời! Nhiều đơn vị nhập khẩu ure, DAP, kali, SA xuất xứ ở các nước, khi đóng bao bì tên đơn vị mình mà không có nhãn phụ theo quy định, có đơn vị viết tiếng Anh thật nhỏ phía dưới, và “giật” logo, tên đơn vị mình thật to phía trên khiến nông dân hiểu lầm. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ năng lực chuyên môn, nhưng lại là “cái nôi” để làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Thị trường phân bón Việt Nam là thị trường tự phát, “mạnh ai nấy làm”, một số kẻ coi đây là ngành kinh doanh béo bở, là cơ hội để “móc túi” nông dân, nên vẫn làm “phân bón” dù nói như ông Nguyễn Hạc Thúy: “Với quy mô nhỏ lẻ vài chục ngàn tấn/năm, sử dụng “công nghệ” cuốc xẻng và xe trộn bêtông thì làm sao có thể sản xuất được phân bón đảm bảo chất lượng”. Thậm chí, có những nơi đã trộn đất sét và đủ thứ linh tinh khác vào, hoặc mua phân bón của Trung Quốc rồi đóng gói, dán nhãn và bán ra thị trường kiếm lời. Những loại phân bón này không những không có giá trị dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn làm bêtông hoang hóa đồng ruộng, phá hoại môi sinh.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Tổng Giám đốc Cty phân đạm và hóa chất Hà Bắc - cho biết, ở các nước, số lượng phân bón không nhiều, trong khi đó ở nước ta có tới hàng nghìn loại. Trong khi cán bộ chuyên ngành phân bón còn chưa thể “quản” hết được các loại phân bón, nông dân sao có thể (?!). Cho nên, việc họ bị lừa dối, dùng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng cũng là điều dễ hiểu.
Về vấn nạn phân bón giả như “bắt cóc bỏ đĩa”, ông Nguyễn Đức Ninh khẳng định: Sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng mang lại cho những kẻ gian lận lợi nhuận khổng lồ, nhưng khi bị phát hiện chỉ bị phạt hành chính, hoặc bị tước giấy phép nên không đủ sức răn đe. Cần phải có chế tài “nặng tay” hơn, truy cứu trách nhiệm hình sự mới có thể dẹp bỏ vấn nạn này.
Lâm Đồng: Dấu hiệu tang vật 13,8 tấn phân bón giả bị đem bán ra thị trường Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức tiêu hủy 13,8 tấn phân bón giả HQ6 sản xuất ngày 9.9.2014 theo quyết định tiêu hủy của UBND tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, sau đó PV tìm hiểu phát hiện tại hiện trường tiêu hủy, những bao phân bón mới tinh vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất (thay vì tiêu hủy thì phải chôn sâu). Những bao phân mới toanh, ghi rõ ngày sản xuất là 23.7.2015 (thời hạn sử dụng 23.7.2017), có bao ghi ngày sản xuất 18.7.2015 (thời hạn sử dụng ngày 18.7.2017). Nhiều người nghi ngờ lô hàng mà QLTT mang đi tiêu hủy không phải là lô hàng 13,8 tấn phân bón tang vật mà theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng phải tiêu hủy (!?).Dư luận đang đặt vấn đề là số tang vật 13,8 tấn phân bón mà ông Đặng Quốc Khánh QLTT gửi tại đại lý S.T đã tiêu thụ ra thị trường. Nhưng do sau này UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tiêu hủy sau một năm sự việc diễn ra, nên số “tang vật” mà QLTT mang đi tiêu hủy là để… chữa cháy ! Một nhân viên bán hàng của đại lý S.T cho biết, lô phân bón 13,8 tấn mà ông Đặng Quốc Khánh QLTT tỉnh Lâm Đồng mang về ký gửi niêm phong vào 3.3.2015 là có thật. Tuy nhiên, khi hỏi về lô hàng này, thì nhân viên tiết lộ đã bán ra thị trường… |