Năng lực sản xuất đã dư thừa gấp 3 lần nhu cầu sử dụng nhưng ngành phân bón Việt Nam vẫn phải nhập khẩu (NK) hoàn toàn phân SA, Kali và một phần phân bón DAP. Thực tế này đòi hỏi DN phân bón trong nước phải cơ cấu lại sản xuất, tránh tồn kho, khơi thông thị trường tiêu thụ.
Dư thừa… vẫn phải nhập
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành phân bón hiện đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất phân Urê và NPK trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, trong khi NK phân bón SA, Kali và một phần phân bón DAP vẫn tăng cao.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tháng 4/2018 cả nước đã NK 489,1 nghìn tấn phân bón các loại, đạt 144,6 triệu USD, tăng 17,8% về lượng và 22,6% trị giá so với tháng 3/2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, NK phân bón đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 405,9 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù NK có giảm về lượng và giá trị, nhưng thực tế phân bón NK vẫn theo chiều hướng tăng.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm, phân bón Kali được nhập về nhiều nhất, chiếm 26% tổng lượng phân bón NK, kế đến là SA, chiếm 26%, DAP và Urê đều chiếm 17%, cuối cùng là NPK chiếm 11%.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2017 của Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho thấy, so với nhu cầu sử dụng phân bón trong nước hiện nay, năng lực sản xuất đã dư thừa gấp gần 3 lần, tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ vẫn phải NK hoàn toàn phân SA, Kali và một phần phân DAP. Với lượng NK mỗi năm lên tới hơn 4 triệu tấn từ 20 quốc gia, trong đó Trung Quốc chiếm tới 50%, Việt Nam đang là nước "nhập siêu" phân bón.
Chủ động gỡ khó
Không thể phủ nhận Quyết định áp thuế tự vệ phân bón DAP - MAP của Bộ Công Thương thời gian qua đã gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) nội trước áp lực từ phân bón NK, cụ thể là đối với mặt hàng phân bón DAP NK đã giảm đáng kể (4 tháng năm 2018, NK phân bón DAP giảm mạnh nhất 31,4%).
Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP DAP 1 Vinachem - chia sẻ: Sau khi áp thuế tự vệ phân bón DAP - MAP, sản lượng sản xuất và tiêu thụ phân bón DAP tăng, người dân có xu hướng sử dụng nhiều hơn phân DAP do Việt Nam sản xuất. Qua đó giúp sản phẩm của công ty có cơ hội khẳng định chất lượng và hiệu quả không thua kém phân bón NK, mặc dù giá bán thấp hơn. Hiện công ty đang chú trọng lập phương thức vừa sản xuất, vừa kết hợp bố trí thời gian sửa chữa, củng cố thiết bị, tạo hạt cho nhà máy DAP. Sau khi sửa chữa, dây chuyền sản xuất đã vận hành ổn định, sẵn sàng tăng tối đa công suất sau khi sản lượng tiêu thụ tăng, tiến tới cung cấp ổn định mặt hàng phân bón DAP trong dài hạn.
Ngoài sản phẩm phân bón DAP, để gỡ khó cho DN phân bón nói chung, theo đại diện Cục Hóa chất, các DN sản xuất phân bón khác chủng loại cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh. Cụ thể, các DN cần tập trung vào một số giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh linh hoạt để khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có. Nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới, điều chỉnh tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn trong cơ cấu sản phẩm hiện có.
Tiến tới cơ cấu lại sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ phân bón, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - cho rằng, DN nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: SA, Kali để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm lượng phân bón NK. Còn riêng với phân Urê, hiện tại sản xuất trong nước đã dư thừa. Phân bón NPK cũng đáp ứng thị trường và hướng tới đẩy mạnh XK.
Nguồn: Báo Công Thương