Năm 2014, Luật số 71 được thông qua đã bổ sung thêm quy định về đối tượng không chịu thuế, trong đó có mặt hàng phân bón. Mục tiêu ban đầu là giảm được giá thành phân bón. Thế nhưng, hơn 8 năm qua, chính sách tưởng chừng như rất có lợi ngành nông nghiệp lại đang gây tác dụng ngược. Chính sách thuế, tác động từ thị trường trong nước và thế giới khiến giá phân bón trong nước tăng. Bà con nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện “cân, đong, đo, đếm” với phân bón.
Ở cánh đồng xã Đại Hồng, ông Thanh cùng gia đình khẩn trương thu hoạch đậu và bắp. Dù được mùa, nhưng theo ông, vụ đậu này sẽ chẳng dư được đồng nào bởi tiền đầu tư phân bón ban đầu là quá cao. Dù hiện tại giá phân có giảm nhưng lại không đúng thời điểm nông dân chăm bón cho cây.
Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 - 25% vật tư nông nghiệp, nhưng nay lên tới 40 - 50%. Giá phân bón tăng cao thời gian dài khiến các chi phí tăng theo, hiệu quả sản xuất giảm sút nghiêm trọng.
Như 200 gốc chanh dây này, bà Phước bỏ vốn 30 triệu đồng, trong đó có hàng chục triệu tiền mua phân bón. Dự kiến, năm nay vườn chanh dây nhà bà cho 2 tấn quả. Tuy nhiên, với giá chanh dây xô chỉ khoảng 5.000 đồng/kg thì bà dự tính vẫn không có lãi.
Lãi không đáng là bao, nên trước mỗi vụ gieo trồng, nông dân lại đau đầu với bài toán chi phí. Còn các đại lý thì nhập vào rất hạn chế, vì giá thất thường dễ chịu lỗ.
Giá phân bón trong nước tăng mạnh trong 3 năm qua. Đến năm 2023, dù giá có phần hạ nhiệt, nhưng chủ yếu là phân đạm, còn các loại như lân, kali… vẫn ở mức khá cao. Với chi phí như vậy, tại nhiều vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, người dân rất khó tiếp cận để phục vụ sản xuất.
Nếu như trước đây, đầu tư phân bón chiếm khoảng 20% tổng chi phí vật tư nông nghiệp, thì hiện đã chiếm từ 40 - 50%. Trong khi chờ những thay đổi chính sách nhằm hạ nhiệt phân bón, người nông dân trực tiếp sản xuất vẫn đang là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Hạ giá phân bón, đồng nghĩa nâng cao thu nhập của người nông dân, để những cánh đồng, vườn cây không còn phải gánh nặng tiền phân.