Hiện Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đang gấp rút hoàn thiện các quy định cuối cùng để trình Chính phủ dự thảo thay thế, sửa đổi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón với kỳ vọng sẽ cơ bản khỏa lấp được những bất cập, lỗ hổng của các Nghị định trước.
Đây là lần thứ 4, ngành phân bón phải sửa đổi, thay thế Nghị định với rất nhiều lần luân chuyển công tác quản lí nhà nước về phân bón từ Bộ này sang Bộ khác, Cục nọ sang Cục kia. Qua đó mới thấy, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đóng vài trò chi phối và ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng tới việc thực thi chính sách sau này.
Từ năm 1999 về trước, ngành phân bón được quản lí với vai trò chủ đạo là Bộ KH-CN. Tuy nhiên, sản xuất phân bón ngày đó chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp lớn của nhà nước nên thị trường tương đối yên bình, không lộn xộn, bát nháo như hiện nay.
Năm 1999 rồi năm 2005, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua sau được thay thế, sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, doanh nghiệp được phép làm những gì pháp luật không cấm, từ đây bắt đầu bùng nổ sự ra đời của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, đặc biệt là phân NPK.
Trong giai đoạn này, Bộ NN-PTNT là đơn vị được Chính phủ giao quản lí nhà nước về phân bón với việc ra đời Nghị định 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003, và hình thức quản lí phân bón được áp dụng bằng danh mục. Với Nghị định này, bắt đầu quy định các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón lá, chất điều hòa sinh trưởng… phải khảo kiểm nghiệm và được công nhận trước khi lưu hành; các loại phân đơn, phân vô cơ, phân đa yếu tố, phân phức hợp, phân hữu cơ truyền thống… không phải khảo kiểm nghiệm.
Cũng bắt đầu từ đây, ngành phân bón nảy sinh bất cập do quy định khảo kiểm nghiệm và đưa vào danh mục. Chính bởi việc đưa ra quy định một số sản phẩm phân bón phải khảo kiểm nghiệm trước khi đưa vào danh mục được phép sản xuất lưu hành nên các doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mỗi lần khảo nghiệm, công nhận hàng chục loại phân bón khác nhau (đằng nào cũng mất công một lần làm thủ tục), dù có thể rất nhiều công thức trong đó đến nay chưa từng sử dụng.
Tuy nhiên, bất cập ở đây là khi khảo nghiệm, công nhận và đưa vào danh mục cơ quan quản lí ngày đó là Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chỉ công nhận và chứng nhận trên mẫu vật sản phẩm phân bón đem đi khảo, kiểm nghiệm. Còn việc đặt tên, nhãn mác, bao bì sau này thế nào do doanh nghiệp tự công bố.
Chính bởi kẽ hở này nên các sản phẩm phân bón có công thức dinh dưỡng rất thấp, ví dụ hàm lượng đạm (nitơ), lân (P2O5), kali (K2O)… chỉ từ 1 - 3%, nhưng trên bao bì các doanh nghiệp lại sử dụng các tên gọi gây nhầm lẫn cho nông dân như: Phân bón cao cấp, phân bón chất lượng cao, phân bón chất lượng quốc tế… đặc biệt là sử dụng, đặt tên phân bón bằng chữ số giống tên công thức phân bón như: Phân NPK 16-16-8; 20-20-10… nhưng thực tế tổng hàm lượng dịnh dưỡng không quá 5%.
Chính bởi bất cập này nên đến năm 2007, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ban hành Nghị định 191/2007/NĐ-CP thay thế, sửa đổi, Nghị định 113 về quản lí phân bón nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định cũ. Tại Nghị định này, lần đầu tiên phân trung lượng, phân vi lượng, chất cải tạo đất được đưa vào danh mục quản lí phân bón.
Chính bởi quy định này nên các sản phẩm phân bón công thức một đằng, đặt tên một nẻo, còn trên thị trường bắt đầu xuất hiện bạt ngàn sản phẩm phân bón trung lượng, phân bón vi lượng, chất cải tạo đất đội lốt phân lân và cũng giống như lần trước, những sản phẩm này được đặt tên rất kêu và hoành tráng. Trong khi đó, phân bón trung, vi lượng được các doanh nghiệp quảng cáo là cao cấp thực chất chỉ là bột đá vôi, vôi tôi, đất sét, cao lanh, quặng đolomit…
Nhưng ngành phân bón thực sự thăng trầm, ba chìm bảy nổi khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón ra đời. Với Nghị định này, quản lí phân bón được thay đổi 180 độ, từ quản lí danh mục sang tiêu chuẩn quy chuẩn, từ Bộ NN-PTNT "xé" sang Bộ Công Thương phần phân bón vô cơ.
Gọi là ba chìm bảy nổi, bởi từ trước đến nay không có Nghị định nào ra đời mà tận gần 2 năm sau mới áp dụng được vào thực tiễn. Trong quá trình áp dụng liên tục phải ban hành các văn bản dưới luật, dưới cả thông tư để “chữa cháy” cho các quy định trong thông tư. Cụ thể, Nghị định 202/2013/NĐ-CP ban hành ngày 27/11/2013, quy định ngày 1/2/2014 có hiệu lực, nhưng trong thông tư hướng dẫn lại lùi thời hạn cho các doanh nghiệp đến tận ngày 1/2/2016.
Chưa kể, bản thân Bộ Công Thương còn ban hành văn bản 7077 cho phép doanh nghiệp sử dụng bao bì không có dấu hợp quy đến tận ngày 27/11/2016. Nhưng đến đầu tháng 3/2017, Chính phủ có công văn quyết định chuyển quản lí nhà nước về phân bón từ Bộ Công Thương sang Bộ NN-PTNT cũng như giao Bộ NN-PTNT là đơn vị chủ trì soạn thảo, sửa đổi, thay thế Nghị định 202 về quản phân bón.
Như vậy có thể thấy, Nghị định 202 là một trong những nghị định có tuổi thọ vô cùng ngắn ngủi khi thời gian thực tế có hiệu lực chưa đầy 5 tháng.
Nguồn: Nongnghiep.vn