"/>"/>

Quản lý chất lượng phân bón: Nhiều bất cập

09:17 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Ba, 2014

Liên tiếp có tình trạng nông dân nhiều tỉnh Nam Trung Bộ mua phải phân bón giả, một lần nữa cho thấy, việc quản lý chất lượng phân bón trên thị trường còn nhiều bất cập.

Cuối tháng 2/2014, người nông dân trồng dưa các tỉnh Phú Yên và Bình Định phản ánh mua phải phân bón NPK, kali giả; qua kiểm tra phát hiện phân vón cục, có lẫn nhiều đất sét. Đáng băn khoăn là khi bón các loại phân này, cây trồng không những chậm phát triển mà có diện tích còn bị chết.

Đến ngày 9/3, kết quả kiểm nghiệm các mẫu phân bón giả này do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định công bố, tổng hàm lượng dinh dưỡng của phân chỉ đạt 29,2%, thấp hơn nhiều lần so với phân bón thật (55%).

Cũng vào thời điểm đó tại khu vực Tây Nguyên, ngày 5/3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành tiêu hủy hơn 28 tấn phân bón Dung Quất NPK Humic chưa có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Quản lý đứt gãy, doanh nghiệp luồn lách

Hiện nay, việc quản lý chất lượng mặt hàng phân bón thuộc 2 ngành, đó là Công Thương và Nông nghiệp.

Theo phân công, ngành Công Thương quản lý các mặt hàng phân bón có nguồn gốc vô cơ, việc xuất nhập khẩu và kinh doanh phân bón… Còn ngành Nông nghiệp quản lý các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho biết: Hiện nay cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón. Ở địa phương, việc quản lý chất lượng phân bón cũng chưa đồng nhất. Ngay trong ngành Nông nghiệp, có địa phương thì giao phòng trồng trọt, có nơi giao phòng kỹ thuật, hoặc chi cục bảo vệ thực vật, chi cục quản lý chất lượng…

Quản lý được phân cấp tưởng như rõ ràng, nhưng thực tế lại là sự rời rạc, tạo nên những vết nứt, kẽ hở để các tư thương trục lợi.

Ngay trong vụ việc phát hiện phân bón giả tại Phú Yên, việc làm giả nhãn mác đã gây hại cho thương hiệu phân bón Bình Điền, chất lượng của loại phân này thì đã gây thiệt hại cả vụ dưa của người nông dân Phú Yên. Với hàm lượng dinh dưỡng còn chưa đến 30%, người dân ở đây nói loại phân này làm từ bùn, cát là chính!

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng nhận định, hệ thống phân phối phân bón ở nước ta đang có những bất cập trong khâu tổ chức mạng lưới.

Đó là việc có quá nhiều tầng nấc trung gian dẫn tới khó kiểm soát giá bán, chất lượng phân bón. Tuy có nhiều đơn vị sản xuất phân bón, nhưng trên thực tế chưa có đơn vị nào tự xây dựng được mạng lưới phân phối riêng đến khâu bán lẻ. Chính việc "mua đứt, bán đoạn" này khiến cho tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn là vấn đề nan giải.

Nín thở đợi thông tư

Không thể để tình trạng “loạn cào cào” về quản lý chất lượng phân bón này xảy ra lâu hơn, Chính phủ đã ra Nghị định 202/2013/NĐ-CP (ngày 27/11/2013). Theo đó, sẽ quản lý phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thay vì quản lý theo danh mục trước đây.

Việc quản lý theo Nghị định này sẽ có tính chất quản lý từ gốc việc đưa phân bón đến tay người nông dân. Nghị định với các điều kiện áp dụng cho các đơn vị kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón này sẽ giúp việc quản lý được chặt chẽ và cụ thể hơn.

Việc quản chặt các kênh bán hàng, xuất nhập khẩu mặt hàng phân bón sẽ giúp chất lượng mặt hàng vật tư nông nghiệp này ổn định về chất lượng trước khi đến tay nông dân.

Ông Trần Xuân Định cho biết, là một trong những đơn vị chính tham mưu xây dựng nghị định và thông tư sắp tới, Cục Trồng trọt đã cơ bản hoàn thành các quy chuẩn chất lượng để làm căn cứ cho việc thi hành thông tư hướng dẫn cho Nghị định 202.

Nhưng ông Định cũng không dám chắc về thời gian ra đời của thông tư này, vì còn đợi phối hợp các ý kiến bên phía Công Thương. Theo tinh thần của nghị định mới, đơn vị quản lý chính sẽ là ngành Công Thương.

Tuy vậy, ông Định cũng cho biết nghị định đã quy định khá rõ ràng để có cơ sở xác định được những đơn vị có hành vi vi phạm. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2 năm nay và trong vòng 2 năm từ khi có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh tái phạm nhiều lần các vi phạm qua các lần kiểm tra sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Vào thời điểm hiện nay cơ bản các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân 2013-2014, bước vào giai đoạn chăm sóc lúa mới cấy. Do đó, nhu cầu sử dụng phân bón của người nông dân là khá lớn.

Theo ước tính của Cục Trồng trọt, nhu cầu sử dụng phân bón vào thời điểm này chiếm tới 60-70% chu kỳ sản xuất của cả năm. Nhu cầu sử dụng lớn càng tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất phân bón giả, kém chất lượng phát triển mạnh nếu không được quản lý chặt chẽ.

Những sai phạm về kinh doanh phân bón được phát hiện liên tục tại Nam Trung Bộ vừa qua sẽ chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” và sẽ tiếp tục tái diễn ở nhiều địa phương khác nếu thông tư không sớm ra đời.

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, năm 2014 nhu cầu phân bón các loại của cả nước khoảng 11 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so năm 2013. Đây sẽ là dư địa màu mỡ cho những “con sâu hàng rởm” luồn qua những kẽ hở trong chính sách hiện nay.

Nguồn: