"/>"/>

Quản lý hóa đơn: Cần liều thuốc mạnh

08:24 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Chín, 2013

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, Tổng cục Thuế đang khẩn trương xây dựng các quy định mới về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm hóa đơn của DN. Các quy định này cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thuế các cấp trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa đơn hiện nay.

Khó quản lý

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, thời gian qua, thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, cơ quan Thuế đã triển khai hướng dẫn DN thực hiện. Theo đó, đã giao quyền cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đây được coi là bước “đột phá” trong công tác quản lý thuế.

Bởi hóa đơn đóng vai trò quan trọng và trở thành chứng từ gốc để xác định việc chuyển nhượng hàng hoá, dịch vụ giữa các thể nhân, pháp nhân, làm cơ sở cho việc hạch toán, kế toán, xác định nghĩa vụ về thuế của DN và thanh quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó đã có không ít DN coi đây là mảnh đất mầu mỡ để trục lợi, gây thất thu lớn cho NSNN. Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh, phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa cơ quan Thuế và cơ quan Công an ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa diễn ra đã chỉ ra một thực trạng gây khó khăn cho cả cơ quan Thuế và cơ quan điều tra.

Đó là, ngày một gia tăng các DN bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh, mang theo hóa đơn; mua bán hóa đơn bất hợp pháp để khai khấu trừ thuế; ghi hóa đơn không đúng quy định; sử dụng giấy tờ giả để thành lập công ty, ẩn lậu doanh thu; hành vi lừa đảo bằng hình thức huy động vốn…

Trong đó, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán hóa đơn GTGT diễn biến phức tạp là do DN được phép tự in hóa đơn thuế GTGT cộng với việc đăng ký thành lập DN dễ dàng nên xuất hiện nhiều doanh nghiệp “ma” khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát...

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đang phải đối mặt với tình trạng một số DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập, DN kinh doanh, xuất khẩu hàng bách hóa tổng hợp qua biên giới đất liền, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy, hải sản, nhất là cà phê tại các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý, sử dụng hóa đơn của Nhà nước để thực hiện mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để khấu trừ thuế GTGT nhằm trục lợi tiền thuế của Nhà nước.

Để ngăn chặn tình trạng này, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là yêu cầu Cục Thuế các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Gia Lai, Lâm Đồng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các DN, hộ kinh doanh cà phê để xác định các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn; phối hợp với cơ quan Công an để kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giữa các DN kinh doanh cà phê để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Siết chặt

Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, sẽ tập trung các nội dung về điều kiện đối DN sử dụng hoá đơn: DN thành lập từ dự án đầu tư trên cơ sở quyết định đầu tư hoặc quyết định phê duyệt đầu tư từ cấp UBND tỉnh trở lên; là DN ưu tiên được tự in, đặt in hoá đơn.

Ngoài ra nhóm DN thuộc lực lượng sản xuất có cơ sở vật chất, có vốn sở hữu tương ứng phù hợp quy mô kinh doanh được thành lập từ dự án đầu tư nhưng Sở kế hoạch và Đầu tư phê duyệt và các DN mới thành lập khác cơ quan Thuế phải kiểm tra trước khi cho tự in, đặt in hay mua hoá đơn của cơ quan Thuế.

Đối với DN rủi ro cao, cơ quan Thuế thực hiện việc bán hoá đơn cho đơn vị và thực hiện yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo tháng, chế độ kiểm tra của cơ quan Thuế.

Tổng cục Thuế sẽ quy định rõ trách nhiệm của người kiểm tra, việc kiểm tra của cơ quan Thuế cấp trên đối với cơ quan Thuế cấp dưới trong việc giám sát việc sử dụng hóa đơn của DN. Theo đó, sẽ lập cơ sở dữ liệu về các DN bỏ trốn, DN sử dụng hoá đơn nhưng không có tờ khai thuế. DN khác sử dụng hoá đơn của những đối tượng này là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để kiểm tra đối chiếu.

Còn theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế khẩn trương triển khai thực hiện đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn của người nộp thuế dựa trên việc công khai mức thuế, cơ sở tính thuế của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khoán; DN thuộc đối tượng rủi ro cao, DN có nợ đọng thuế, DN có sử dụng hoá đơn nhưng không nộp tờ khai thuế, xác nhận hoá đơn… Đồng thời, tổ chức việc kiểm tra đối chiếu hóa đơn qua mạng Internet ở thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tiến tới mở rộng thực hiện ngay trong quý IV - 2013 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), một trong những nguyên nhân khiến cho tội phạm về hóa đơn gia tăng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước chính là mức hình phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Nếu như trước đây, các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị GTGT được quy định tại Điều 181 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì mức khung hình phạt cao nhất là 20 năm nhưng hiện nay theo Điều 164A của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 thì mức hình phạt đối với các tội danh liên quan đến hóa đơn GTGT cao nhất là 5 năm.

Nguồn: